Dư luận đang rất quan tâm đến chứng bệnh khiến bà Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn bị run rẩy lẩy bẩy trong gần 1 tháng qua.
Thủ tướng Đức Angela Merkel liên tục run rẩy
Nỗi lo lắng cho sức khỏe người đàn bà “thép” của nước Đức đang dấy lên sau 3 lần run rẩy mất kiểm soát của bà trước các chính khách quan trọng.
Lần đầu tiên bà Merkel có triệu chứng trên là vào ngày 18/6 khi tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Lần đó, bà nói mình run rẩy là do mất nước và uống quá nhiều cà phê vào ngày nóng.
Lần thứ hai xảy ra vào ngày 27/6, khi bà Merkel xuất hiện bên cạnh Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trong một sự kiện. Bà giải thích là do vấn đề tâm lý, khi cố tránh để cơn run rẩy lặp lại.
Và lần gần đây nhất xảy ra vào hôm qua, 10/7, khi bà Merkel đón tiếp Thủ tướng Phần Lan tại Berlin.
Tuy nhiên, nữ thủ tướng 64 tuổi đã nhanh chóng trấn an công chúng rằng bà vẫn ổn và “nó chỉ xảy ra trong một ngày nên sẽ biến mất”.
“Tình trạng này rõ ràng chưa kết thúc nhưng có tiến triển và tôi phải sống với điều này trong một thời gian nhưng tôi rất khỏe và các bạn không cần phải lo lắng cho tôi”, bà Merkel nói. “Tôi tin mình hoàn toàn có khả năng (thực hiện công việc của mình)”.
Nhận định từ các chuyên gia y tế
Trong khi đó, các chuyên gia y tế nhận định, việc bà Merkel run rẩy có thể do tuyến giáp hoạt động quá mức đến lượng đường trong máu thấp. Tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ đều đồng ý rằng sự run rẩy dường như không phải do mất nước hoặc bệnh Parkinson.
Peter Garrard, giáo sư thần kinh học tại St George’s, Đại học London, cho hay, trong lần đầu tiên bà Merkel bị phát hiện đứng run rẩy, các triệu chứng “dường như phù hợp” với một tình trạng thần kinh hiếm gặp được gọi là “Hội chứng run tay chân”.
Còn lần thứ hai, theo giáo sư Garrard, có thể do chứng run cơ địa. Chứng run cơ địa thường khiến người ta run rẩy ở một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể. Điều này thường tồi tệ hơn khi họ đứng với đôi chân “run rẩy” hoặc “bất động”. Vấn đề có xu hướng được giải quyết khi họ đi, ngồi hoặc nằm.
Căng thẳng có thể làm cho những cơn run trở nên tồi tệ hơn, sau đó trở thành một vòng luẩn quẩn vì sự run rẩy khiến bệnh nhân ngày càng khó chịu. Không thể phủ nhận công việc của bà Merkel căng thẳng, tuy nhiên, đó là công việc mà bà đã đảm nhiệm trong suốt 14 năm. Điều này khiến nhiều người bác bỏ suy đoán rằng nữ thủ tướng gặp vấn đề về thần kinh hoặc bị hoảng loạn.
Còn theo Bác sĩ Dương Văn Tâm, bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết chứng run lành tính có nguyên nhân từ rối loạn hoạt động của hệ thần kinh, gây khó khăn trong việc kiểm soát trương lực cơ. Một số yếu tố khác tác động gồm lo lắng, trầm cảm, thiếu ngủ, mệt mỏi, sốt…
Người già bị run do các bệnh hệ thống, có thể là biến chứng của một số bệnh rối loạn chuyển hóa nội tiết như suy gan thận, tiểu đường, hạ đường huyết, thiểu năng cận tuyến giáp…
Run còn do suy giảm chức năng não bộ. Liên quan tới tình trạng này là hiện tượng bị bệnh vữa xơ động mạch não, khiến giảm lưu lượng máu não nghiêm trọng.
Một số loại thuốc người già sử dụng cũng dễ gây tác dụng phụ run tay như thuốc kích thích thần kinh giao cảm (epinephrine), các thuốc chống viêm, thuốc chống động kinh như phenolbarbital, deparkin.
“Lạm dụng rượu, thuốc lá, cà phê hoặc các chất kích thích cũng khiến người cao tuổi gặp phải chứng run chân tay”, bác sĩ Tâm cho biết. Rượu, bia làm tăng tốc độ suy giảm thần kinh, gây thiếu hụt vitamin B1 trầm trọng khi nghiện nặng. Rượu làm tăng rối loạn sự điều phối thần kinh – cơ trong vận động, làm nặng thêm mức độ run khi mắc bệnh.
Theo Minh Khôi (T/h) / doisongphapluat.com