Site icon Thời báo Việt Đức

Cẩn thận với số dịch vụ 0900

Bố mẹ không phải chịu trách nhiệm khi con mua hàng qua số 0900. Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Ngày nay, cung cấp ứng dụng cho điện thoại và máy tính bảng là một ngành kinh doanh có thu nhập tỷ Euro, mặc dù đa số các ứng dụng được tải xuống miễn phí.

Kinh doanh ứng dụng trò chơi điện tử từ lâu đã là một ngành đem lại doanh thu „khủng“. Có được điều này nhờ vào các ứng dụng mang tên „In-App-Käufe“. Đa số những ứng dụng này chỉ hấp dẫn khi mua thêm các chức năng bổ sung. Một số công ty còn cho phép thanh toán qua các cuộc gọi mất phí. Có nghĩa, số tiền mua sẽ được trừ luôn vào cước điện thoại. Hiện những ứng dụng chứa chi phí ẩn nhiều vô kể. Về cơ bản, hình thức kinh doanh này không phạm pháp. Người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận. Nếu bị yêu cầu trả tiền vô lý không nên nhắm mắt thanh toán mà hãy kiện ra tòa.

Hóa đơn điện thoại hơn 1250 Euro: Một cậu bé 13 tuổi đã tải một ứng dụng trò chơi điện tử miễn phí từ trên mạng xuống, một trò chơi được hàng triệu người trên thế giới sử dụng. Sau khi chơi hết các chức năng miễn phí, cậu bé bị thu hút bởi các trang bị mất phí và quyết định mua một số vũ khí cho chiến binh của mình. Khi mua, cậu được chọn lựa giữa hai hình thức thanh toán: Trả tiền trực tiếp bằng thẻ tín dụng hay thông qua phương thức „thanh toán bằng cuộc gọi“ (Pay-by-Call) thông qua số dịch vụ bắt đầu bằng 0900. Cậu bé đã giấu bố mẹ gọi điện thoại, tổng cộng 21 cuộc đến số này. Một vài tuần sau mẹ cậu nhận được hóa đơn điện thoại với cước phí lên đến 1253,93 Euro. Người mẹ nhất quyết từ chối thanh toán.

Phán quyết: Công ty cung ứng số điện thoại dịch vụ 0900 đã kiện người mẹ ra tòa án địa phương Amtsgericht Delmenhorst (án số: 45 C 5298/13) và thắng kiện. Bất bình, người mẹ kiện phúc thẩm lên tòa án tiểu bang Landgericht Oldenburg nhưng vẫn bị bác đơn. Không bỏ cuộc, người mẹ đệ đơn lên tòa án liên bang BGH Karlsruhe yêu cầu xem xét lại phán quyết. Tòa BGH đứng về phía người mẹ và bác bỏ hai phán quyết trước đó của tòa Amtsgericht Delmenhorst và Landgericht Oldenburg.  Tòa BGH căn cứ vào điều 45i, khoản 4, điều 1 Luật viễn thông (TKG). Theo đó, chủ kết nối điện thoại không phải chịu trách nhiệm khi chứng minh được không trực tiếp sử dụng dịch vụ của công ty viễn thông đó (án số. III ZR 368/16).

Phán quyết trên không chỉ có hiệu lực đối với bố mẹ, mà cho tất cả chủ kết nối điện thoại khi nhận được hóa đơn từ các số „Pay-by-Call“ mà không có sự chấp thuận của họ.

Trúc Quỳnh

 

Exit mobile version