Nhiều bậc phụ huynh vẫn hay có quan niệm nghịch thì đánh cho chừa mà không biết con mình có thể bị hội chứng “Tăng động giảm tập trung”
Cách đây mười bảy năm tôi sinh cậu con trai út, khỏi nói hết niềm vui của cả gia đình khi có con. Nhưng thằng bé rất ít ngủ mặc dù ăn uống rất tốt và các chỉ số sức khỏe đều bình thường. Đêm con khó ngủ cứ vật vã bên này bên kia mãi mới ngủ được. Đi khám, bác sĩ bảo bình thường, dặn ban ngày cho con ngủ ít thôi.
Rồi con lớn dần bắt đầu biết đi rồi biết chạy, thôi thì con phá kinh hoàng và lúc nào cũng chạy, rất ít khi đi lại bình thường nên mặt mày cứ tím bầm hết nơi này lại đến nơi khác.
Nhiều người thấy thằng bé phá quá cứ bảo tôi: “Đánh cho nó một trận nó chừa ngay”. Tôi thương con nên không đánh bao giờ nhưng trong lòng cũng âm thầm lo lắng, rồi thấy con nghịch quá mà ngủ rất ít tôi quyết định đưa con đi khám chuyên khoa thần kinh và ở đây bác sĩ kết luận con tôi bị hội chứng” Hyperaktiv”, tức Tăng động giảm tập trung. Tôi hồi đấy không biết đến hội chứng này.
Từ đấy bác sĩ cho con điều trị theo phương pháp đặc biệt về tâm lý. Con được tập một số bài tập về tính kiên nhẫn và tập trung. Theo thời gian con vẫn hiếu động nhưng cũng đỡ dần, tôi biết con như vậy nên tìm cách hướng dẫn con những trò chơi hợp lý và rất thương con không đánh con bao giờ cả.
Năm tháng trôi qua con tôi giờ đã gần mười tám tuổi, là một chàng trai bình thường đang học ở trường Gymnasium và được thầy cô bạn bè thương quý vì cháu rất ngoan hiền.
Ngày nay nhiều bậc phụ huynh vẫn hay có quan niệm nghịch thì đánh cho chừa mà không biết con mình có thể bị hội chứng “Tăng động giảm tập trung” như tôi vừa kể về con trai mình. Đây là một hội chứng mà không nhiều người để ý.
Phụ huynh nên hiểu để giúp con mình hoàn thiện cuộc sống và sức khỏe một cách tốt nhất, đặc biệt là không được dùng bạo lực với con trẻ do những quan niệm giáo dục sai lầm, hậu quả sẽ thật khôn lường.
Thiên Nga