Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo nước này có thể sẽ xem xét lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau một loạt hành động gần đây của Ankara, trong đó có việc bắt giữ các công dân của Đức.
Chỉ trích bầu cử Quốc hội Đức
Tuyên bố trên của Thủ tướng Merkel được đưa ra một ngày sau khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ thêm hai công dân Đức vì những lý do chính trị, nâng tổng số công dân Đức bị giam giữ vì các lý do trên tại Thổ Nhĩ Kỳ lên con số 12 người, trong số này có 4 người mang hai quốc tịch Đức – Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Thủ tướng Merkel, hầu hết các vụ bắt giữ nói trên là không có cơ sở pháp lý, do đó bà kêu gọi Ankara trả tự do ngay lập tức cho các công dân này. Tuy chính quyền Ankara chưa đưa ra thông báo chính thức nào về vụ bắt giữ hai công dân Đức mới nhất, song vụ việc này đã được cảnh sát sân bay quốc tế Antatya ở Thổ Nhĩ Kỳ – nơi xảy ra vụ bắt giữ – xác nhận. Ngoài 12 người nêu trên, Thổ Nhĩ Kỳ còn giam giữ nhiều công dân ở các nước châu Âu vì những lý do khác nhau.
Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Berlin chỉ trích mạnh mẽ Ankara về cách giải quyết vụ đảo chính bất thành hồi năm ngoái. Quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) – Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xấu đi sau vụ việc trên. EU đình chỉ xét hồ sơ đàm phán mới về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng kể từ khi Berlin không cho phép các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức để vận động các cử tri gốc Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 4 năm nay. Sau đó, cả hai bên liên tục công kích nhau liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức, dự kiến diễn ra vào ngày 24-9 tới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thậm chí đã kêu gọi toàn bộ người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) của Thủ tướng Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của Ngoại trưởng Sigmar Gabriel hay đảng Xanh, do đây là “kẻ thù của Ankara”.
Hành động vô lý
Đáp trả lại hành động của Tổng thống Erdogan, Thủ tướng Merkel cùng nhiều quan chức trong Chính phủ Đức cho rằng đây là hành động vô lý, đồng thời nhấn mạnh, không ai có quyền can thiệp công việc nội bộ của nước Đức. Nhiều chính trị gia ở Đức đã kêu gọi chính phủ nước này sớm ban hành cảnh báo hạn chế đi lại đối với người dân Đức có ý định tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan luôn cho rằng các chính đảng của Đức luôn có thái độ đối địch với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến giới chức Đức tỏ ra lo ngại, do tại Đức hiện có khoảng 1,2 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đủ tư cách tham gia cuộc bầu cử sắp tới.
Liên quan đến sự kiện bầu cử Quốc hội Đức, Cục An ninh công nghệ thông tin liên bang Đức (BSI) đã bày tỏ lo ngại rằng cuộc tổng tuyển cử tại Đức có thể sẽ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Giám đốc BSI Arne Schoenbohm cho biết, bên cạnh việc đánh cắp dữ liệu nhạy cảm của các ứng cử viên và đảng phái tham gia tranh cử lần này, mối đe dọa lớn nhất chính là thủ phạm có thể sẽ tấn công hệ thống công nghệ thông tin được sử dụng trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử. Ông đặc biệt lo ngại mối đe dọa trên có thể dẫn đến những nghi ngờ đối với tính minh bạch và hợp pháp của cuộc bầu cử. Ông Schoenbohm cũng cảnh báo, những kẻ phạm tội cũng có thể ngấm ngầm làm suy yếu lòng tin của các cử tri bằng cách truyền bá những thông tin và tin đồn sai lệch bất thường.
Theo Thanh Hằng (tổng hơp) / sggp.org.vn