Cây trồng, nhà máy điện, giao thông đường thủy, công nghiệp và ngư nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi những con sông khô cằn ở châu Âu do hạn hán.
Theo báo Guardian, con sông dài nhất nước Pháp Loire chưa bao giờ chảy chậm như hiện nay, ở nhiều nơi có thể đi bộ băng qua sông. Sông Rhine thì sà lan khó đi lại hơn và ở Ý, mực nước sông Po thấp hơn bình thường 2m, khiến cây trồng bị ảnh hưởng.
Trên khắp châu Âu, hạn hán làm giảm mạnh lượng nước của các con sông lớn, gây ra hậu quả tiềm tàng nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp, vận tải hàng hóa, năng lượng và sản xuất lương thực.
Mùa xuân và mùa đông khô hạn bất thường, trong khi mùa hè nhiệt độ cao kỷ lục. Các đợt nắng nóng đã khiến các tuyến đường thủy thiết yếu của châu Âu bị quá tải.
Khắp tây, trung và nam châu Âu trong hai tháng qua không ghi nhận lượng mưa đáng kể nào. Các nhà khí tượng học cho biết hạn hán tại lục địa già có thể trở nên khắc nghiệt nhất trong hơn 500 năm.
Ông Andrea Toreti từ Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu cho biết có “nguy cơ rất cao về tình trạng khô hạn” tiếp tục diễn ra trong 3 tháng tới. Nếu không có biện pháp giảm thiểu hiệu quả thì cường độ và tần suất hạn hán sẽ “tăng đáng kể ở châu Âu, cả phía bắc lẫn phía nam”.
Viện Thủy văn liên bang Đức (BfG) cho biết mực nước sông Rhine, dùng để vận tải hàng hóa, tưới tiêu, sản xuất, sản xuất điện và nước uống, sẽ tiếp tục giảm cho đến ít nhất là đầu tuần tới.
Mực nước sông Rhine giảm khiến nhiều hãng tàu không thể cho sà lan hoạt động. Nhiều sà lan chở than cho các nhà máy điện và nguyên liệu thô quan trọng cho các công ty công nghiệp khổng lồ như nhà sản xuất thép Thyssen và tập đoàn hóa chất BASF, đang hoạt động với khoảng 25% công suất, làm tăng chi phí vận chuyển lên gấp 5 lần.
Việc dừng lưu thông bằng sà lan ở sông Rhine sẽ khiến nền kinh tế của Đức và châu Âu gặp nhiều khó khăn. Trong quá khứ, các chuyên gia đã tính toán rằng việc đình chỉ lưu thông sà lan 6 tháng trong năm 2018 tiêu tốn khoảng 5 tỉ euro (5,1 tỉ USD). Mực nước sông thấp sẽ khiến Đức thiệt hại 0,2 điểm tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Trong khi đó, EU cho biết tăng 25% vận tải đường thủy là một trong những ưu tiên chuyển đổi xanh của khối. Đức hiện đang nỗ lực chuyển hướng sang đường sắt và đường bộ, mặc dù cần có từ 40 – 100 xe tải để thay thế tải trọng sà lan tiêu chuẩn.
Các con sông của Pháp có thể không phải là huyết mạch vận chuyển hàng hóa quan trọng như ở Đức, nhưng chúng dùng để làm mát các nhà máy hạt nhân sản xuất 70% điện năng của đất nước. Tập đoàn điện lực khổng lồ EDF của Pháp đã buộc phải giảm sản lượng vì hạn hán.