Site icon Thời báo Việt Đức

Cảnh báo về việc Đức khó tránh khỏi tình trạng khẩn cấp về khí đốt vào mùa Đông

Ảnh minh họa: stevepb/ Pixabay

Khi Liên minh châu Âu (EU) đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều quốc gia khác để có được nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) nhằm thay thế khí đốt tự nhiên từ Nga, việc giới hạn giá khí đốt không phải là giải pháp hợp lý, cơ bản nhất vẫn là tiết kiệm khí đốt, nhưng thực tế diễn ra tại Đức khiến nhiều người lo ngại.

Trước tình hình căng thẳng về nguồn cung khí đốt tại Đức, mức độ tiêu thụ khí đốt tăng nhanh trong những ngày qua khiến giới chuyên môn lo lắng về nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông tới.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời ông Klaus Müller, Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức, cho biết lượng tiêu thụ khí đốt tại Đức đã tăng quá nhanh trong tuần trước. Theo đó, lượng tiêu thụ khí đốt của các hộ gia đình và khách hàng kinh doanh nhỏ ở mức 618 gigawatt giờ trong tuần trước, tăng 10% so với lượng tiêu thụ trung bình trong giai đoạn 2018 – 2021; trong khi lượng tiêu thụ của ngành công nghiệp là 1.370 gigawatt giờ, chỉ giảm 2% so với mức trung bình các năm trước. 

Ông Müller nhấn mạnh rằng lượng tiêu thụ như vậy là quá cao trong bối cảnh hiện tại. Ông cảnh báo nếu không tiết kiệm ít nhất 20% khí đốt trong các lĩnh vực tư nhân, thương mại và công nghiệp Đức sẽ khó tránh khỏi tình trạng khẩn cấp về khí đốt vào mùa Đông tới. Khi đó, tình hình có thể trở nên rất nghiêm trọng.

Theo Cơ quan Mạng lưới liên bang, tại Đức, các hộ gia đình và các khách hàng kinh doanh nhỏ tiêu thụ khoảng 40% tổng nhu cầu khí đốt của cả nước, lĩnh vực công nghiệp tiêu thụ khoảng 60% còn lại. Với mức tiêu thụ như hiện tại, những lời kêu gọi tiết kiệm ít nhất 20% khí đốt của chính phủ Đức được đánh giá là chưa có tác dụng đối với nhiều người tiêu dùng. 

Về lời kêu gọi thiết lập giới hạn trên của giá khí đốt nhằm giảm gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Simone Tagliapietra từ tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel cảnh báo rằng không nên thiết lập giới hạn giá khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU).

Theo chuyên gia Simone Tagliapietra, trong trường hợp EU thiết lập giới hạn giá khí đốt, châu Âu sẽ phải đối mặt với rủi ro các nhà cung cấp không còn muốn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu nữa mà xuất sang các quốc gia khác với giá cao hơn.

Trong bối cảnh EU đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều quốc gia khác để có được nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) nhằm thay thế khí đốt tự nhiên từ Nga, việc giới hạn giá khí đốt không phải là giải pháp hợp lý. Chuyên gia Simone Tagliapietra, giải pháp cơ bản nhất phải là giảm tiêu thụ và gia tăng tiết kiệm khí đốt.

Vũ Tùng (P/v TTXVN tại Berlin)
Nguồn: baotintuc.vn
Exit mobile version