Site icon Thời báo Việt Đức

Cảnh giác với bệnh “ngộ độc thịt”

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Quả đậu non, hay nhiều người Việt còn gọi là đậu cô ve, nếu chế biến không đúng cách có thể gây ra ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng.

Thời gian vừa qua đã có một cặp vợ chồng người Đức bị cấp cứu vào viện vì ngộ độc sau khi ăn quả đậu non tự nấu, nằm điều trị hàng tháng trời mà bác sỹ không chẩn đoán được đúng bệnh. Trường hợp cặp vợ chồng người Đức này được đưa vào cấp cứu trong bệnh viện Đại Học tại Halle, sau khi người vợ (47 tuổi) đột nhiên có những biểu hiện như chóng mặt, rối loạn thị giác và liệt cơ tay chân.

Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, bệnh nhân không thể mở mắt, cử động tay chân và thậm chí có thêm triệu chứng liệt cơ hô hấp. Tiếp theo là cả người chồng (51 tuổi) cũng nhanh chóng được chuyển vào viện với những biểu hiện tương tự. Trạng thái sức khỏe của bệnh nhân nhanh chóng giảm sút. Cả hai vợ chồng đã phải nằm viện hàng tháng trời để theo dõi và điều trị. Trong thời gian đó, có tới 5 tháng người vợ phải thở bằng máy trợ thở.

Lúc đầu, bác sỹ không sao chẩn đoán đúng bệnh. Họ đứng trước một bài toán đố hóc búa, chạy đua với thời gian. Cho đến một ngày người con trai của cặp vợ chồng này đột nhiên nhớ ra một chi tiết, là bố mẹ anh ta trước khi nhập viện đã ăn món đậu non tự nấu và đóng lọ. Người con khi ngửi thấy mùi là lạ đã không nếm thử nên may mắn thoát nạn.

Bác sỹ ngay lập tức hiểu rõ nguyên nhân vì sao bệnh nhân lại ốm nặng đến thế. Đó chính là một bệnh ngộ độc nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong mang tên Botulismus, tiếng Việt gọi là “bệnh ngộ độc thịt”. Bệnh ngộ độc thịt xảy ra khi ăn phải thực phẩm bảo quản không đúng cách, phát sinh độc tố tên là clostridium botulinum như cá, thịt ôi thiu, muối đồ để dành không đủ mặn, đóng hộp thực phẩm tại nhà sai qui trình v.v… Người Đức có vườn thường tự trồng ít rau củ rồi tự nấu hoặc muối, đóng lọ thủy tinh để dành ăn dần. Theo tạp chí Y tế “Journal of Medical Case Reports” thông báo, ở Đức rất hiếm các vụ ngộ độc thịt kiểu này, mỗi năm trung bình chỉ khoảng 10 bệnh nhân.

Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh ngộ độc thịt bắt đầu ở các cơ được điều khiển bởi các dây thần kinh sọ, gồm các dây thần kinh điều khiển chuyển động của mắt, cơ mặt, các cơ nhai và nuốt. Do đó, bệnh nhân bị ngộ độc có thể dẫn đến song thị (nhìn một thành hai), sụp cả hai mí mắt, mất biểu cảm trên khuôn mặt, nuốt và nói khó. Liệt cơ sau đó lan đến cánh tay và xuống đến chân, bắt đầu từ đùi xuống dần đến bàn chân. Ngộ độc nghiêm trọng sẽ dẫn đến giảm hoạt động của các cơ hô hấp, khó thở, có thể gây hôn mê và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ bị khô miệng và họng, tụt huyết áp, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn và nôn. Đặc điểm dễ nhận ra nhất của bệnh ngộ độc thịt là liệt hành tủy, không sốt, tri giác và nhận thức rõ ràng.

“Trong cái rủi có cái may”. Tuy thời gian để dùng thuốc kháng độc tố chỉ trong vòng 24 giờ sau khi nhiễm độc, mà hai vợ chồng bệnh nhân nói trên khi được đưa vào viện là đã hơn một ngày sau khi ăn quả đậu non tự nấu, hơn thế nữa họ đều có những triệu chứng bệnh rất nặng, nhưng họ đã thoát chết, thậm chí giờ đây đã hoàn toàn bình phục. Người chồng được ra viện sau 8 tháng điều trị, người vợ bị nặng hơn, phải đợi sau 11 tháng.

Viện đánh giá rủi ro liên bang Đức (Bundesinsitut für Risikobewertung) khuyến cáo rằng, sau khi tự nấu và đóng hộp, đóng lọ rau dưa, trước lúc ăn người tiêu dùng nên nấu lại một vài giây ở nhiệt độ 100°C. Nếu để bếp ở nhiệt độ 80°C thì cần vài phút.

Các bào tử của vi khuẩn gây bệnh ngộ độc thịt rất phổ biến ở trong đất và nước. Chúng sản sinh ra độc tố botulin trong môi trường bị yếm khí, nghĩa là ít hoặc không có ôxy, và nhiệt độ nhất định. Một dấu hiệu cho thấy lọ đựng thực phẩm đã nhiễm độc là nắp lọ bị phồng lên.

Lọ thủy tinh rất khó thấy vì chúng không co giãn và tự phình ra được! Một số thực phẩm dễ bị nhiễm độc là thực phẩm đóng trong túi hút chân không như xúc xích hun khói hay lạp xường. Không nên cho trẻ em dưới một năm tuổi dùng mật ong do nguy cơ nhiễm độc từ loại thực phẩm này.

Cẩm Chi

Exit mobile version