Site icon Thời báo Việt Đức

Cảnh sát kỵ binh trên thế giới đang làm những việc gì?

Ảnh minh họa: pixabay.com

Ngoài dẹp loạn và biểu diễn, kỵ binh đa phần hoạt động trong công tác tuần tra. Sự hiện diện của cảnh sát trên lưng ngựa đặc biệt gây ấn tượng rất mạnh và vì vậy ảnh hưởng tích cực tới an ninh chung.

Cuối tuần qua tại thủ đô London (Anh), nhiều người bàn về một con ngựa thuộc “biên chế” của cảnh sát. 

Hưởng ứng phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da màu quan trọng) tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, đám đông cũng xuống đường tại nhiều thành phố, trong đó có London.

Truyền thông Anh dậy sóng khi cảnh sát kỵ binh ở London đã tham gia dẹp biểu tình, dẫn tới một số tình huống ngoài ý muốn như một kỵ binh rơi xuống đất và một con ngựa chạy tự do khiến người biểu tình chạy tán loạn.

Hình ảnh từ camera đăng trên ABC News cũng cho thấy đoàn người nhanh chóng di tản khi một đoàn cảnh sát kỵ binh đi qua.

Bên cạnh việc phục vụ những nghi thức, kỵ binh mang một ý nghĩa đặc biệt hiện nay có thể nói chưa tiến bộ công nghệ nào thay thế hoàn toàn được nhánh này.

Công cụ dẹp biểu tình hiệu quả nhất

Để giải tán đám đông, điều hàng chục hoặc hàng trăm cảnh sát sẽ dễ dẫn tới xô xát. Bạn cũng không thể đưa trực thăng hay xe tăng tùy tiện vào dòng người trong thành phố. Vậy, cách tốt nhất là dùng… ngựa.

Đầu tháng này, ABC News cũng có một bài viết về cảnh sát kỵ binh. Trong đó ông Glen Potter, người đứng đầu bộ phận cảnh sát kỵ binh ở bang Tây Úc, khẳng định: “Nếu bạn có một con ngựa thì y như bạn có 10 sĩ quan cảnh sát ngay tại đó vậy”.

Ông giải thích thêm: “Ý tôi là không thể phủ nhận có một yếu tố đáng sợ ở đó đâu. Nếu tôi cần cắt đứt một cuộc xung đột, cãi cọ, tôi có thể đưa ngựa tới thẳng vào cuộc tranh cãi ấy và chia cắt nó. Mọi người thường sẽ biểu cảm như kiểu ‘Ồ, thôi rồi, một con ngựa’, và sau đó họ phải lùi lại. Nó hoàn toàn có khả năng làm dịu ngay căng thẳng”.

Ông Potter lý giải thêm rằng kỵ binh có nhiều lợi thế như di chuyển vào địa hình phức tạp, cung cấp khả năng nhìn xa và cao hơn cho nhân viên cảnh sát.

Điều này giúp cảnh sát quan sát dễ hơn trong đám đông và khi truy bắt. Ngược lại trong một đám đông, người dân hay người biểu tình cũng dễ dàng nhận diện cảnh sát để nhờ sự trợ giúp khi cần.

Biểu tượng an ninh

Vì tính chất đặc trưng dùng để dẹp biểu tình, bạo loạn quy mô lớn, những con ngựa vừa là công cụ hữu hiệu để duy trì an ninh, vừa là một giải pháp tiết kiệm đáng kể nhân lực. Trên hết, nó là biểu tượng của an ninh khi thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ khác.

Ngoài dẹp loạn và biểu diễn, kỵ binh đa phần hoạt động trong công tác tuần tra. Sự hiện diện của cảnh sát trên lưng ngựa đặc biệt gây ấn tượng rất mạnh và vì vậy ảnh hưởng tích cực tới an ninh chung.

“Không gì sánh được với một con ngựa nói về chuyện tạo ra cho mọi người một chủ đề để thảo luận và ghi nhớ. Nếu bạn thấy một chiếc xe cảnh sát đi qua đường, bạn sẽ không nghĩ về nó, chẳng thèm nhớ tới nó.

Và đây là nét đẹp của kỵ binh. Khi mọi người thấy cảnh sát trên lưng ngựa, họ sẽ nhớ. Nếu chúng ta đưa ngựa đi qua các vùng lân cận, chúng ta sẽ thấy tỉ lệ tội phạm giảm. Nó ổn định, kéo dài vài ngày sau khi chúng ta rời đi, và vốn dĩ đây là hiệu ứng tốt”.

Nhưng trong khi đem lại nỗi sợ cho tội phạm, kỵ binh lại là một lực lượng giúp cảnh sát trở nên gần gũi hơn với nhân dân.

Người dân, đặc biệt trẻ em, có thể vẫy chào và chụp hình một cảnh sát trên lưng ngựa, chứ không làm điều tương tự với cảnh sát trên xe hay đi bộ.

Điều này đúng với một nghiên cứu của Công ty nghiên cứu quốc phòng RAND, trụ sở ở Mỹ. Theo nghiên cứu về giá trị của cảnh sát kỵ binh tại Anh, RAND cho biết họ nhìn thấy rằng cảnh sát kỵ binh khi tuần tra có mức độ tham gia tương tác ngẫu nhiên lớn hơn nhiều so với cảnh sát đi bộ.

Cụ thể, nghiên cứu cảnh sát kỵ binh khi tuần tra ở các khu vực lân cận có tương tác với công chúng nhiều gấp 6 lần thông thường. Các tương tác này bao gồm chào xã giao hay trao đổi ngắn với người dân. Mặc dù vậy, xét tổng thể về các cuộc trao đổi sâu hay tham gia tương tác công chúng nhìn chung, con số ở kỵ binh và cảnh sát đi bộ tuần tra tương đương nhau.

Nhưng tựu trung, sự hiện diện của kỵ binh là cách để thúc đẩy niềm tin của công chúng vào lực lượng thực thi pháp luật, cũng như tạo cảm giác thoải mái nơi công chúng khi tương tác với cảnh sát.

“Đó là một cách thức tuyệt vời về tương tác với người dân, không chỉ kẻ xấu, mà còn là đối với người tốt, với công chúng nói chung.

Khi những đứa trẻ tiến tới thì đó là một điều tuyệt vời, thực sự tuyệt vời. Nó thực sự đã phá đi rào cản giữa chúng và cảnh sát”, ông Potter nói.

Theo Nhật Đăng / tuoitre.vn

Exit mobile version