Site icon Thời báo Việt Đức

Câu chuyện một người Việt bị phạt 2000 euro vì mang quá 10.000 euro khi xuất cảnh ở Đức (Phần cuối)

TBVĐ- Gửi bức thư đi, dù hy vọng, anh T. vẫn cứ phải xác định trường hợp xấu nhất, bởi như tục ngữ Đức đã nói “luật pháp là luật pháp”, dù có tình ngay lý gian chăng nữa  !

Đọc bản thông báo của Hải quan Darmstadt ngày 9.12.2008, đòi phạt  tới 2000 Euro, anh T thấy quá đau, tính ra bị mất tới 14,5% trên tổng số tiền mang theo, gấp ít nhất 4 lần lệ phí chuyển tiền qua dịch vụ.

Lúc Hải quan kiểm tra xong cho tiếp tục mang theo tiền, anh đã tưởng yên chuyện, buột miệng, có thế mà làm người ta hết cả hồn! Bây giờ anh không hết hồn bởi bất ngờ nữa, nhưng nhẩm lại số tiền phạt thì xót thật sự. Trót mang giùm cho bạn bè quá giới hạn khai báo chỉ 3.233,87 Euro, mà bị đòi phạt tới 2000,00 Euro, tức là 62%. Chẳng nhẽ bắt bạn bè chịu khoản này, mà mình chịu thì ruột xót hơn cả bị chà muối ớt.

Phần kết thông báo trên có đoạn hướng dẫn con đường pháp lý chống lại: Ngài có quyền phản bác kết luận trên hoặc không phản hồi, hoặc đệ đơn cung cấp các bằng chứng bác bỏ. Nếu đến ngày 1.2.2009, không nhận được ý kiến phản hồi của ngài, chúng tôi mặc nhiên coi ngài đã từ bỏ quyền chống lại và sẽ ra quyết định theo hồ sơ hiện có.

Anh T nghĩ ngay đến luật sư. Nhưng muốn luật sư cãi thắng thì mình phải cung cấp đủ bằng chứng, bởi trên nguyên tắc, toà án sẽ trọng chứng (bằng chứng) chứ không trọng cung (lời khai). Đọc kỹ phần lý giải hành vi phạm luật và mức phạt trong  bản thông báo, anh càng tâm phục khẩu phục cách làm bài bản của Hải quan Đức, đẩy mình vào cảnh lý gian, khó có thể bác bỏ, dù tình ngay.

Mọi hành xử của họ không tùy tiện, tất cả đều nhằm mục đích lấy bằng chứng buộc đúng tội sau này. Câu hỏi: còn tiền không, được lặp đi lặp lại như mở từ video sau mỗi lần phát hiện số tiền mới, cũng chỉ nhằm mục đích khẳng định đối tượng có chủ ý. Những câu mào đầu giải thích pháp luật, trước khi khám xét: “Số tiền ngài mang theo nhiều hay ít không có vấn đề gì cả. Nhưng ngài phải khai toàn bộ số tiền mặt mang theo dù là của ai và giao cho ai tại Việt Nam“, chính là thông báo những chuẩn mực đong đo đếm được của pháp luật, để sau này đương sự không thể bao biện, mình không biết hay hiểu lộn.

Đúng là phát luật đánh nặng vào người vi phạm có chủ đích, nhưng chẳng nhẽ họ không chiếu cố trường hợp vi phạm do sợ đến ngớ ngẩn mà ra. Ngày 26.01.2009, anh viết thư khiếu nại lên Hải quan Hauptzollamt Darmstadt, thông qua văn phòng tư vấn hỗ trợ cộng đồng VDIV.

Nguyên bản thư khiếu nại

“Kính thưa ngài Frey!

Ngày 20.11.2008, tại phi trường Flughafen Frankfurt, tôi bị Hải quan Frankfurt tại phi trường kiểm tra tiền mặt. Thực tế đúng là tôi đã mang theo người 13.233,87 Euro để đem về Việt Nam, trước đó không khai báo giấy tờ với Hải quan như luật định, mà chỉ sau khi vi phạm, qua tìm hiểu tôi mới biết được luật này chi tiết.

Luật quy định khai báo tiền mang theo người với Hải quan, tại thời điểm trên thực tình tôi chỉ nghe đồn loáng thoáng, không nắm chắc, nên rất sợ. Ngay cả Quy phạm Verordnung Nr. 1889/2005 của EU mà các ngài viện dẫn, tôi chưa từng được biết. Chỉ khi vi phạm tôi mới vỡ lẽ. Tôi hiểu câu tục ngữ Đức, rằng “Không biết không có nghĩa sẽ không bị pháp luật trừng phạt“.

Hôm nay tôi tự rút cho mình bài học và nhận ra mình đã sai phạm, đáng lẽ phải trả lời trung thực ngay từ câu hỏi đầu tiên. Đây là lần thứ nhất trong đời tôi bị kiểm tra tiền mặt, và cũng lần đầu tiên nhận chịu trách nhiệm chuyển hộ tiền tới nhiều gia đình Việt Nam khác nhau. Lúc bị kiểm tra tôi sợ rằng, số tiền người ta tin cậy gửi mình có thể bị thu giữ. Mà như vậy, tôi sẽ không biết ăn nói như thế nào với họ. Người ta có thể đánh giá sai về tôi, bịa cớ để biển thủ. Đó là điều tôi không muốn, tập quán nước tôi rất kỵ vì ảnh hưởng đến thanh danh.

Bây giờ tôi nhận ra đó là một sai lầm rất lớn. Nếu như tôi khai báo rõ ràng thì đâu đến nỗi xảy ra vụ việc các ngài phạt thiệt hại cho tôi như thế này. Tôi thực sự đau buồn, vì đã thiếu hiểu biết đụng chạm đến pháp luật.

Xin được đề nghị các ngài, chiểu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính Liên bang, chỉ phạt tôi ở mức 12% trên tổng số vượt quá ngưỡng khai báo là 3.233,87  Euro.

Tôi cam đoan không bao giờ tái phạm và thông báo cho đồng hương tôi biết để tránh, đừng để chỉ vì thiếu hiểu biết mà lãnh chịu hậu qủa không nhỏ. Sai phạm trên một phần nằm ở bất đồng ngôn ngữ, phần nữa nằm ở quan niệm giản đơn của tôi. Lẽ ra trứơc khi về nước, nhận chuyển giúp tiền cho người khác, thì phải tìm hiểu các văn bản luật pháp quy định việc chuyển tiền, để tránh trục trặc nảy sinh.

Một lần nữa, với trường hợp của tôi, xin các ngài chỉ áp dụng mức phạt tối thiểu như tôi đã đề nghị.

Trân trọng ! (Ký tên) “

Gửi bức thư đi, dù hy vọng, anh T. vẫn cứ phải xác định trường hợp xấu nhất, bởi như tục ngữ Đức đã nói “luật pháp là luật pháp”, dù có tình ngay lý gian chăng nữa!

Mời các bạn đọc phần 1 tại đây: Phần 1

Thanh Lương

Exit mobile version