Site icon Thời báo Việt Đức

Châu Âu đau đầu tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Ảnh minh họa: pixabay.com

Bà Mogherini cho rằng,việc giải cứu thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ mở đường cho giải quyết các vấn đề khác, trong đó có chương trình tên lửa của Iran.

Ngày 15/5, Cao ủy Liên minh Châu Âu phụ trách chính sách an ninh đối ngoại Federica Mogherini cho biết, các Thứ trưởng ngoại giao Châu Âu và Iran sẽ họp tại thủ đô Vienna của Áo vào tuần tới để bàn giải pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.

Phát biểu với báo chí sau hai cuộc họp với Ngoại trưởng Iran và với Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức tại Brussels, bà Mogherini cho biết tại các cuộc họp các bên đều nhận thức được sự cấp thiết phải tìm ra giải pháp để cứu thỏa thuận quan trọng này.

“Chúng tôi quyết tâm đảm bảo rằng thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn có giá trị nguyên như cũ. Chúng tôi biết rằng điều đó là khó khăn, nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ duy trì nó. Và chúng tôi đã bắt đầu cùng thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo điều đó sẽ xảy ra. Đây là quan điểm của Châu Âu, và chúng tôi cũng nhận thấy thiện chí và quyết tâm tương tự từ phía Iran”, bà Mogherini nói.

Theo bà Mogherini, thỏa thuận hạt nhân với Iran đã đủ phức tạp và không cần phải sử đổi hay bổ sung bất cứ điều khoản nào nữa. Bà hy vọng việc giải cứu thỏa thuận này sẽ giúp mở đường cho việc giải quyết các vấn đề khác trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Bà sẽ báo cáo vấn đề này tại cuộc họp hàng tuần của các Cao ủy Ủy ban Châu Âu vào sáng 16/5 và với các nhà lãnh đạo Châu Âu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của khối với các nước Tây Balkans tại thủ đô Sofia của Bulgaria vào tối cùng ngày.

Trong khi đó sau cuộc họp với các bên, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif lạc quan cho biết thỏa thuận hạt nhân sẽ tồn tại bất chấp Mỹ tuyên bố đơn phương rút khỏi trước đó. Theo ông, cuộc họp báo hiệu một sự khởi đầu tốt và tất cả giờ đây phụ thuộc nhiều vào tiến bộ đạt được trong vài tuần tới.

Tuần trước, Mỹ tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 bao gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ, và Đức, đồng thời tái áp đạt lệnh trừng phạt lên Iran cũng như các tổ chức và cá nhân nước ngoài có giao dịch với nước này. Liên Hợp Quốc và nhiều nước trên thế giới phản đối, trong khi Liên minh Châu Âu tìm cách duy trì thỏa thuận này./.

Hữu Bình/VOV-Praha
Nguồn: vov.vn

 

Exit mobile version