Site icon Thời báo Việt Đức

Châu Âu ngậm ngùi nhận lại thành viên IS

Ảnh minh họa: pixabay.com

5 năm trước, Bint Dahlia là một trong hàng nghìn người châu Âu đến Trung Đông. Hiện giờ, cô là một trong hàng trăm người cố gắng hồi hương.

Bint Dahlia, 33 tuổi, rời Đức cùng chồng và con năm 2014 để bắt đầu cuộc sống mới với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chính phủ châu Âu đang cố gắng ngăn những người như Dahlia về nước sau khi IS mất địa bàn ở Trung Đông.

Các lãnh đạo lo sợ công chúng sẽ phản đối dữ dội và những người này có nguy cơ thực hiện các cuộc tấn công trong nước. Họ lập luận rằng các vụ xét xử chiến binh IS nên diễn ra tại Trung Đông. Anh thậm chí còn tước quốc tịch các thành viên IS để họ không còn cơ hội trở về.

Nhưng giờ đây châu Âu đang bị buộc phải tiếp nhận. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã bắt đầu trục xuất những người bị bắt vì nghi liên quan đến IS, bao gồm các công dân Đức, Pháp, Mỹ, Ireland và Đan Mạch. Ankara đang giữ 2.280 thành viên IS từ 30 quốc gia và dự định trục xuất tất cả.

Các vụ kiện mang tính bước ngoặt mang lại cho các chính phủ ít sự lựa chọn. Tuần trước, một tòa phúc thẩm ở Berlin ra phán quyết rằng chính phủ Đức nên hồi hương Bint Dahlia cùng ba người con từ al-Hol, khu trại tồi tàn của người Kurd ở Syria. Tòa xác định rằng điều kiện trại tồi tệ tới mức đe dọa đến tính mạng và những đứa trẻ có quyền ở với mẹ.

Luật sư Dirk Schoenian, đại diện cho Dahlia, hy vọng phán quyết này sẽ tạo tiền lệ cho 20 bà mẹ và 40 người con Đức khác mà ông đại diện. “Tất cả trường hợp đều khá giống nhau. Chiến thuật của chính phủ Đức là ‘câu giờ’ nhưng nó sắp hết hiệu quả”.

Một phán quyết ở nước láng giềng Hà Lan cũng yêu cầu chính phủ đưa 56 trẻ em trở về từ các trại ở Syria và cho phép các bà mẹ về cùng nếu cần thiết. Chính quyền có thể kháng cáo nhưng họ phải có động thái trong vòng hai tuần.

“Chính quyền châu Âu đang chiến đấu trong trận chiến không có cửa thắng”, Andre Seebregts, luật sư đại diện cho hầu hết phụ nữ và trẻ em trong vụ kiện Hà Lan, nói. “Chúng tôi giờ có một vấn đề cấp bách cần được xử lý”.

Ít nhất 1.200 người châu Âu bị giữ ở Syria, theo một nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia có trụ sở tại Brussels. Phần lớn là trẻ em, chủ yếu là quốc tịch Đức và Pháp. 

Các nhà hoạt động nhân quyền đã chỉ trích điều kiện trong các trại giữ nghi phạm IS, nơi thiếu lương thực, nước sạch và hỗ trợ y tế. Áp lực buộc các chính phủ châu Âu phải hành động đã gia tăng vào tháng trước, khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria. Một số tù nhân IS lợi dụng tình thế hỗn loạn để trốn khỏi trại giam của người Kurd.

Tuy nhiên, Schovian cho rằng chính quyền Đức sẽ cố ‘câu giờ’ thật lâu, và ông đang chuẩn bị một vụ kiện khác chống lại Bộ Ngoại giao Đức nếu họ không hành động. Bộ Ngoại giao Đức cho biết đang cân nhắc phán quyết và xem xét làm thế nào để thực hiện nghĩa vụ pháp lý.

Theo lời kể của mẹ chồng, Dahlia đã bị đe dọa trong trại kể từ khi tòa ra phán quyết. Những người bị giam khác gọi cô là kẻ phản bội vì nhờ cậy vào hệ thống tòa án phương Tây. “Tôi không hiểu tại sao chính phủ Đức chỉ chờ đợi và không làm gì cả”, người mẹ chồng nói.

Đối với các quốc gia châu Âu, các thành viên IS hồi hương là một vấn đề nan giải. “Không ai muốn nhận về người đã thực hiện một cuộc tấn công, Sofia Koller, nhà nghiên cứu chống khủng bố của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết.

Các quốc gia khẳng định họ quan tâm đến phúc lợi của công dân, đặc biệt là trẻ em sinh ra hoặc lớn lên trên địa bàn của IS và muốn đảm bảo một quy trình tư pháp công bằng. Tuy nhiên, có lo ngại rằng cơ quan an ninh sẽ phải mất công sức giám sát những người hồi hương nếu không có đủ bằng chứng buộc tội họ. Ở Đức, việc rời nước để vào địa bàn của IS không cấu thành hành vi phạm tội.

Người Kurd giám sát các trại giam nghi phạm IS từ lâu đã thúc giục các nước châu Âu chịu trách nhiệm về công dân. Mỹ cũng gia tăng áp lực, Tổng thống Trump liên tục nêu vấn đề này.

“Các thành viên của liên minh chống IS cần nhận lại hàng nghìn chiến binh khủng bố nước ngoài đang bị giam và bắt họ chịu trách nhiệm với tội ác tàn bạo mà họ đã gây ra”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với những người đồng nhiệm tại Washington ngày 14/11.

Mỹ đã đề nghị giúp một số quốc gia hồi hương công dân. Tòa án Hà Lan ra phán quyết, buộc chính phủ Hà Lan phải chấp nhận đề nghị đó. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington đã điều động các chuyến bay quân sự để hồi hương gia đình chiến binh IS nước ngoài tại Syria. Ông nói rằng việc này được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp cụ thể và Mỹ muốn những người này phải bị xử lý thích đáng khi về nước.

Một trong những người Đức dự kiến về nước ngày 15/11 là cô gái 27 tuổi đến từ Lower Sachsen, bị người Thổ Nhĩ Kỳ giữ sau khi trốn khỏi trại Ayn Issa ở Syria vào tháng 10. Cô đã liên lạc với chị khi đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, kể rằng lực lượng Quân đội Syria Tự do bàn giao cô cho người Thổ Nhĩ Kỳ.

Người chị cho biết cô này đã nói dối gia đình rằng cô tới Thổ Nhĩ Kỳ thực tập vào năm 2014 để đến Syria. Luật sư cho rằng chính quyền Đức không có bằng chứng về bất kỳ hành vi phạm tội nào của cô. Một quan chức an ninh nói cô sẽ không bị bắt khi đến nơi.

Đức nên hành động sớm hơn nhiều để đảm bảo “việc hồi hương có kiểm soát”, nhà nghiên cứu Koller nói. “Giờ họ phải phản ứng một cách thụ động”.

Phương Vũ (Theo Washington Post)

Nguồn: vnexpress.net

Exit mobile version