Châu Âu đang tìm giải pháp cắt nguồn khí đốt hóa lỏng nhập từ Nga, từ đó chặn nguồn cung tài chính quan trọng với Moskva.
Nhằm tăng sức ép với Nga vì chiến dịch tại Ukraine, các nước châu Âu năm ngoái quyết định đoạn tuyệt với nguồn nhiên liệu hóa thạch của nước này, cấm nhập khẩu dầu thô và diesel từ Moskva, hạn chế khí đốt qua đường ống, đồng thời tìm kiếm những nhà cung cấp mới để thay thế.
Nhưng một lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Trong năm 2022, các chuyến tàu vận chuyển LNG của Nga đến châu Âu tăng vọt, khi dòng chảy dầu khí qua đường ống bị cắt giảm đáng kể.
Theo dữ liệu hàng hải từ Kpler và MarineTraffic, lượng NLG Nga nhập khẩu vào châu Âu đã tăng hơn 38% vào năm 2022, lên 15 triệu tấn, mức cao nhất lịch sử.
Mặc dù lượng LNG mà châu Âu nhập từ Nga tương đối nhỏ, việc duy trì hoạt động này đã phần nào làm suy yếu nỗ lực mà phương Tây theo đuổi nhằm bóp nghẹt nguồn thu từ năng lượng của Moskva. Chúng cũng chiếm một nửa lượng khí đốt mà châu Âu vẫn nhập từ Nga kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát.
“Năm ngoái, để chuẩn bị cho mùa đông, châu Âu cần tất cả LNG mà họ có thể nhận được, vì thế họ nhận mọi chuyến hàng có mặt trên thị trường”, Xi Nan, phó chủ tịch cấp cao về nghiên cứu khí đốt và LNG tại công ty tư vấn Rystad Energy, trụ sở ở Oslo, Na Uy, cho hay.
Một mùa đông ấm hơn bình thường đã giúp châu Âu vượt qua thời khắc khó khăn với lượng khí đốt dự trữ lớn hơn nhiều so với dự kiến. Tính đến đầu tháng 4, các kho dự trữ khí đốt của khu vực được lấp đầy khoảng 55%, mức kỷ lục đối với thời điểm này trong năm, cao hơn gần 30 điểm phần trăm so với năm 2022, theo dữ liệu từ tổ chức Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu, trụ sở tại Brussels, Bỉ.
Nguồn LNG nhập từ Nga được coi là một trong những yếu tố giúp châu Âu đạt được kết quả này. Cắt đứt nguồn nhập khẩu LNG này sẽ là hành động cuối cùng trong chiến lược quyết liệt của châu Âu nhằm thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga.
Ủy viên Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson đã yêu cầu các công ty trong khu vực hạn chế ký hợp đồng mới với các nhà cung cấp LNG Nga.
Hà Lan, một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất châu Âu, cho biết họ đã cấm ký hợp đồng nhập khẩu mới và yêu cầu các công ty loại bỏ dần LNG Nga khỏi hệ thống cửa hàng của họ. Tuy nhiên, những hợp đồng hiện tại không thể bị phá nếu không có các biện pháp thống nhất trên toàn EU.
Loạt biện pháp gây áp lực của EU với Nga đến nay vẫn chỉ tập trung vào trừng phạt, điều đòi hỏi 27 quốc gia thành viên phải đồng thuận. Nhưng đề xuất mới hướng đến việc cho phép mỗi nước thành viên áp lệnh hạn chế nhập khẩu riêng, đồng thời ngăn các công ty Nga đặt chỗ lưu trữ tại những kho LNG của họ.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu động thái cắt đứt huyết mạch năng lượng cuối cùng này có “lợi bất cập hại”, gây tổn thất cho châu Âu nhiều hơn Nga hay không.
Châu Âu vẫn có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng trong trường hợp thời tiết bất lợi, như đợt nắng nóng mùa hè hoặc mùa đông lạnh giá năm nay, hoặc sự cố gián đoạn nguồn cung không lường trước được.
“Giống như chúng ta đang ở trong bầu không khí bình yên trước cơn bão nhưng chúng ta không biết chắc liệu cơn bão có thực sự đến hay không”, Anne-Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, bình luận, lưu ý rằng nguy cơ châu Âu tính toán sai lầm là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Việc đoạn tuyệt với LNG Nga có khả năng làm tăng hơn gấp đôi giá khí đốt tự nhiên của châu Âu, từ mức 44 USD/MWh hiện tại lên khoảng 99 USD/MWh, nếu không có nguồn nào khác thay thế, theo công ty tư vấn Energy Aspects, Anh.
Điều này khó có thể xảy ra, do các hợp đồng chi phối hoạt động mua bán giữa công ty Yamal LNG của Nga và khách hàng châu Âu chủ yếu là những giao dịch có thời hạn nhiều thập kỷ hoặc vô thời hạn. Theo dữ liệu từ Kpler, TotalEnergies của Pháp và Naturgy Energy Group của Tây Ban Nha nằm trong số những khách hàng hàng đầu của công ty Yamal LNG.
TotalEnergies sở hữu cổ phần của Yamal LNG và cho biết họ sẽ tiếp tục nhập khẩu LNG của Nga, miễn là không có lệnh trừng phạt nào được đưa ra đối với nguồn năng lượng này.
Theo ước tính từ Rystad Energy, xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu có giá trị khoảng 27 tỷ USD vào năm ngoái, do giá khí đốt tự nhiên tăng vọt.
Dù vậy, Simone Tagliapietra, chuyên gia về năng lượng tại Viện Bruegelm trụ sở tại Brussels, Bỉ, đánh giá con số này khá nhỏ bé so với những gì Nga kiếm được từ hoạt động xuất khẩu dầu toàn cầu và việc doanh thu từ LNG sụt giảm sẽ không thể giáng một đòn mạnh vào Điện Kremlin.
Nhưng động thái như vậy sẽ EU gửi đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ, ngay cả khi nó có thể gây tổn hại tới nền kinh tế châu Âu, ông cho biết.
“Về mặt chính trị, việc tiếp tục nhập LNG Nga sẽ trở nên không bền vững và sớm hay muộn chúng ta phải cắt giảm chúng. Nếu không, tổn hại về chính trị và hình ảnh chắc chắn sẽ cao hơn chi phí kinh tế”, Tagliapietra nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)