Viện công nghệ Karlsruhe, Đức đã thành công trong việc tạo ra một chiếc kính râm đặc biệt có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời để tạo ra điện năng.
Nhà nghiên cứu Daniel Bahro, một nghiên cứu sinh chuyên phát triển và tối ưu hóa tế bào năng lượng mặt trời chia sẻ với trang Digital Trends: “Chiếc kính chạy bằng năng lượng mặt trời này chứng tỏ khả năng ứng dụng các tế bào năng lượng mặt trời hữu cơ trong các thiết bị đeo thông minh”.
Các nhà nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ quang điện trong việc sản xuất một tấm pin hữu cơ có khả năng thay đổi màu sắc, độ trong suốt và hình dáng để phù hợp với thiết kế mắt kính. Năng lượng hấp thụ từ ánh sáng mặt trời sẽ dùng để cung cấp hoạt động cho mạch điện tử gồm các cảm biến, bộ vi xử lý và hai màn hình được gắn vào phần gọng kính.
Solar Glasses có khả năng ghi lại liên tục nhiệt độ môi trường xung quanh, đo cường độ chiêu sáng để đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Kính có trọng lượng khá nhẹ, chỉ khoảng 6 gram và dày 1,6mm. Trọng lượng này gần như tương đương một chiếc kính râm bán ngoài thị trường.
Ngay cả trong điều kiện ánh sáng trong nhà, kính hoàn toàn có thể tạo ra lượng điện năng khoảng 200mW (microwatt). Tuy vậy, Solar Glasses chỉ có thể hoạt động tối đa công suất nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Nhóm nghiên cứu đang tập trung nghiên cứu cải tiến các kỹ thuật chế tạo và cấu kiện thiết bị sao cho gọn nhẹ và hiệu quả nhất. Bahro khá tin tưởng về khả năng thương mại hóa sản phẩm trong tương lai gần.
Trong tương lai không xa, công nghệ trên hứa hẹn sẽ có thể ứng dụng trong việc sản xuất kính của nhiều tòa nhà, giúp đem lại nguồn năng lượng xanh, đồng thời giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.
Theo Thiên Long / Báo Điện tử Trí Thức Trẻ