Site icon Thời báo Việt Đức

Chính phủ Đức siết chặt hoạt động của Facebook

Ảnh minh họa: pixabay.com

Facebook đã bị yêu cầu hạn chế các hoạt động thu thập dữ liệu của mình tại Đức sau một phán quyết mang tính bước ngoặt hôm thứ Năm rằng mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã lạm dụng sự thống trị thị trường của mình để thu thập thông tin về người dùng mà không có sự đồng ý của họ.

Nước Đức, nơi sự lo ngại về quyền riêng tư đang ngày càng sâu rộng, đang đi đầu trong công cuộc phản đối mạng xã hội Facebook, sau vụ việc thông tin của hàng chục triệu tài khoản Facebook đã bị thu thập mà không có sự đồng ý của người dùng vào năm ngoái.

Các nhà chức trách Đức đặc biệt phản đối cách Facebook tập hợp dữ liệu của người dùng từ các ứng dụng thuộc bên thứ ba – bao gồm cả WhatsApp và Instagram.

“Trong tương lai, Facebook sẽ không còn được phép buộc người dùng đồng ý với việc thu thập và gán dữ liệu không bị hạn chế cho các tài khoản Facebook của họ”, ông Andreas Mundt – người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của Đức, cho biết.

Ông Mundt cũng bày tỏ lo ngại về các báo cáo rằng Facebook, có 2,7 tỷ người dùng trên toàn thế giới, đang lên kế hoạch hợp nhất các ứng dụng của mình như Messenger, WhatsApp và Instagram.

Facebook cho biết sẽ kháng cáo quyết định này và cho biết rằng cơ quan quản lý của Đức đã đánh giá thấp sự cạnh tranh mà họ phải đối mặt và làm suy yếu các quy tắc bảo mật trên toàn châu Âu có hiệu lực vào năm ngoái.

“Chúng tôi không đồng ý với kết luận của họ và có ý định kháng cáo để mọi người ở Đức tiếp tục hưởng lợi hoàn toàn từ tất cả các dịch vụ của chúng tôi”, đại diện Facebook cho biết.

Đáp trả lại, phía chính phủ Đức cho biết Facebook sẽ chỉ được phép gán dữ liệu từ WhatsApp hoặc Instagram cho các tài khoản ứng dụng Facebook chính của mình nếu người dùng tự nguyện đồng ý. Việc thu thập dữ liệu từ các trang web của bên thứ ba và gán nó cho Facebook cũng cần phải có sự đồng ý.

Nếu Facebook không tuân thủ yêu cầu, văn phòng giám sát của Đức cho biết họ có thể phạt số tiền lên tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty này, tăng 37% lên 55,8 tỷ USD vào năm ngoái.

Luật sư chống độc quyền Thomas Vinje cho biết phán quyết của nhà chức trách Đức có khả năng ảnh hưởng sâu rộng.

“Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt. Việc bị giới hạn hoạt động ở Đức có thể có tác động đáng kể đến mô hình kinh doanh của Facebook”, ông Vinje nói.

Luật sư Vinje cho biết sẽ rất khó để Facebook thuyết phục tòa án rằng chính phủ Đức đã đánh giá sai về thị trường truyền thông và sự thống trị của mạng xã hội này. Đây là một trận chiến mà nhiều công ty đã chiến đấu tại tòa án và thua cuộc, ông nói thêm.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Katarina Barley hoan nghênh động thái này và cho biết: “Người dùng thường không biết về việc rò rỉ dữ liệu này và không thể ngăn chặn nó nếu họ muốn sử dụng các dịch vụ. Chúng ta cần phải nghiêm khắc trong việc khắc phục sự lạm dụng quyền lực đi kèm với dữ liệu”.

Các cơ quan quản lý chống độc quyền của Đức đã được mở rộng vào năm 2017 để bảo vệ người tiêu dùng, họ có thể lập luận rằng một công ty – như Facebook – có quá ít sự cạnh tranh đến nỗi người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào khác.

Facebook ước tính có khoảng 23 triệu người dùng hoạt động hàng ngày ở Đức, chiếm thị phần 95%, trong khi Google+ – một mạng xã hội đối thủ vốn đang chuẩn bị đóng cửa – là đối thủ cạnh tranh duy nhất của họ.

Facebook cho biết giới chức Đức đã không nhận ra mức độ cạnh tranh mà Google phải đối mặt với sự chú ý của công ty này đối với người dùng và cũng cho biết cơ quan quản lý đã lấn chiếm các khu vực cần được xử lý bởi các cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu.

Luật sư Vinje cho biết Facebook đang xem xét kháng cáo về các vấn đề bảo vệ dữ liệu lên Tòa án Công lý Châu Âu, nhưng hiện tại phía chính phủ Đức vẫn chiếm thế thượng phong.

“Theo tôi, cơ quan giám sát được thông báo bởi các biện pháp bảo vệ dữ liệu, nhưng không phụ thuộc vào chúng và đã dựa trên quyết định của mình dựa trên luật cạnh tranh”, ông Vinje cho biết.

Ủy ban châu Âu cho biết: “Chúng tôi đang theo sát động thái của Đức cả trong khuôn khổ Mạng lưới cạnh tranh châu Âu và thông qua các liên hệ trực tiếp”.

Các nhà lập pháp châu Âu đã đảm bảo rằng hiện tại đã có một quy định giải quyết loại hành vi này, cụ thể là Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR).

Để tuân thủ GDPR, Facebook cho biết đã xây dựng lại thông tin mà mạng xã hội này cung cấp cho mọi người về quyền riêng tư của họ và các biện pháp kiểm soát thông tin cũng như cải thiện quyền riêng tư. Công ty này cũng sẽ sớm ra mắt một tính năng lịch sử rõ ràng.

Theo Reuters

Nguồn: ngaynay.vn

Exit mobile version