Chính phủ Đức thua trong vụ kiện do hai nhóm môi trường khởi xướng, do không đạt mục tiêu giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông và xây dựng.
Vụ kiện do các nhóm bảo vệ môi trường BUND và Deutsche Umwelthilfe khởi xướng, cáo buộc chính phủ Đức chưa nỗ lực hết sức để hoàn thành mục tiêu về khí thải đã đề ra. Theo BUND, ngành vận tải Đức đã vượt mục tiêu phát thải CO2 3,1 triệu tấn trong năm 2021. Trong lĩnh vực xây dựng, con số này là 2,5 triệu tấn.
Giới chức trước đó đưa ra lộ trình cắt giảm lượng khí thải trong hai lĩnh vực này vào tháng 7/2022, nhưng chính phủ “không ra quyết định về chương trình này”, theo hồ sơ tòa án.
Tòa án cho biết chính phủ sau đó thông qua Chương trình Hành động vì Khí hậu vào tháng 10, song những biện pháp trong đó “không đáp ứng yêu cầu cho một chương trình hành động ngay lập tức”.
Ngày 15/11, Tòa án Hiến pháp Đức phán quyết chính phủ không được phép chuyển 65 tỷ USD từ vốn vay chưa sử dụng trong quỹ chống đại dịch Covid-19 sang quỹ khí hậu và chuyển đổi. Với phán quyết này, 65 tỷ USD đã lập tức bị gỡ khỏi quỹ khí hậu trị giá 231 tỷ USD.
Antje von Broock, phát ngôn viên của nhóm BUND, cảm thấy nhẹ nhõm sau phán quyết của tòa.
“Tòa án đã nói rõ rằng chính phủ phải đáp ứng các mục tiêu khí hậu của mình. Chính phủ giờ phải soạn thảo, giới thiệu và áp dụng các chương trình có tính ràng buộc, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và xây dựng”, bà nói.
Stefanie Langkamp, người phát ngôn mạng lưới Liên minh vì Khí hậu Đức, cho biết phán quyết của tòa án hôm nay là “lời khiển trách nghiêm khắc” đối với chính phủ.
“Thật xấu hổ với cộng đồng quốc tế khi tòa án phải ra phán quyết vì chính phủ Đức không tuân thủ luật khí hậu của chính mình”, bà nói.
Phán quyết của tòa án được đưa ra một ngày trước khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên đường dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12.
Các nhóm môi trường đã đưa ra một số vụ kiện ở Đức để buộc chính phủ phải hành động nhiều hơn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Một trong những vụ kiện mang tính đột phá nhất là phán quyết của tòa hiến pháp Đức năm 2021, trong đó nói rằng kế hoạch về khí hậu của chính phủ chưa đầy đủ và đặt gánh nặng lên các thế hệ tương lai.
Chính phủ của thủ tướng Angela Merkel lúc đó đã thúc đẩy thực hiện kế hoạch cắt giảm khí thải và đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045. Tuy nhiên, tổ chức tư vấn năng lượng Agora Energiewende cho biết Đức đã không hoàn thành mục tiêu cắt giảm khoảng 5 triệu tấn CO2 vào năm 2022.
Thanh Tâm (Theo AFP)
Nguồn: vnexpress.net