TBVĐ- Theo các chuyên gia đưa thông tin về bầu cử của Đức dự đoán, đảng UNION (Đảng liên minh CDU/CSU) với bà Thủ Tướng Angela Merkel trong vai trò chỉ đạo vẫn sẽ là đảng mạnh nhất.
Năm nay, ngày bầu cử tại Đức sẽ là ngày 24-9-2017. Có 30 đảng đứng ra tranh cử, trong đó 6 đảng lớn nhất gồm CDU (Liên minh dân chủ Kitô giáo Đức), SPD (Đảng dân chủ xã hội Đức) , FDP (Đảng dân chủ tự do Đức), Linke (Đảng Cánh tả), Grüne (Đảng Xanh) và đảng mới nổi gần đây là AfD (Con đường khác cho nước Đức).
Đảng UNION (Đảng liên minh CDU/CSU)
Mặc dù sau lùm xùm về “chiến lược di dân” của mình, đảng Union đến nay đã có sự khởi sắc, nhưng vẫn không vượt qua đỉnh điểm cao nhất của chính họ là 48% trong tháng 8-2015. Đa số các chuyên gia chính trị đều chắc chắn rằng bà Angela Merkel sẽ lại được bầu làm Thủ Tướng lần nữa, bởi bà không chỉ là một “thủ lĩnh” tài ba mà còn có ý nghĩa tinh thần quan trọng đối với quần chúng.
Tuy nhiên, chỉ hơn 2 năm nữa, Angela Merkel sẽ đạt độ tuổi nghỉ hưu. Bà sẽ đi hay ở lại???
Các chính sách di dân và hội nhập của Union hiện nay đặt trọng tâm vào việc giảm bớt lượng người tị nạn, chỉ xét cho ở lại nếu họ thật sự cần giúp đỡ, di dân phải về nước sẽ do chính Cảnh sát liên bang tháp tùng ra sân bay, cố gắng sao cho không lặp lại tình trạng di dân như năm 2015.
Ngoài ra, đảng này muốn tiếp tục cải cách và nâng cấp quá trình liên lạc giữa quần chúng với các ban ngành nhà nước qua hệ thống mạng điện tử, bỏ bớt các giấy tờ, thủ tục rườm rà, quan liêu. Bên cạnh đó, đảng Union coi gia đình là tế bào của xã hội, dự tính sẽ phụ giúp thêm các gia đình theo cấp tiểu bang, tăng thêm 25€ tiền trợ cấp nuôi con mỗi tháng.
Mặc dù phương châm hiện nay của Union là tiết kiệm, nhưng đảng này vẫn muốn thúc đẩy việc phủ sóng mạng Internet khắp cả nước, đặc biệt chú trọng việc tăng tốc độ truy cập mạng ở các khu dân cư và kinh tế.
Mục tiêu trọng tâm nữa mà Union theo đuổi là tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Bắt đầu từ năm 2020 sẽ giảm bớt “phụ phí đoàn kết” (Solidaritätszuschlag = phụ phí thuế thu nhập) và tạo thêm 15 nghìn vị trí mới trong ngành cảnh sát.
Đảng SPD
Vào tháng 1-2017, đảng SPD mất hẳn 20% phiếu bầu trong kỳ bầu cử khảo sát, nhưng sau khi ông Martin Schulz được đề cử tranh chức Thủ Tướng, SPD đã nhanh chóng gỡ về 12% phiếu bầu cho mình.
Theo dự đoán hiện nay, SPD sẽ đạt 25% phiếu bầu, không có gì thay đổi so với kỳ bầu cử trước. Martin Schulz là người lớn tuổi thứ 3 trong số đội ngũ ra tranh cử Thủ Tướng. Nhiều tuổi hơn ông có Alexander Gauland và Angela Merkel.
Schulz sử dụng trôi chảy 6 thứ tiếng ngoại ngữ. Từ năm 2012 đến 2017, ông từng là chủ tịch Quốc hội Châu Âu.
Tuy nhiên, đầu năm nay, Schulz bị dính vào nhiều vụ phê phán vì biển thủ, sử dụng tiền đóng thuế trái phép khi giả mạo cử người quản lý tranh cử cũng từng là phát ngôn viên Markus Engel đi chuyến “công tác dài hạn”, đồng thời đã trả mức lương quá cao cho nhân viên.
Dự đoán của các chuyên gia cho thấy, ông Schulz khó có cơ hội để trở thành Thủ Tướng, bởi một “liên minh đỏ-đỏ-xanh” (tại Đức, mỗi đảng đều có một màu biểu tượng và tên gọi các liên minh thường dùng màu sắc các đảng cho ngắn gọn, “đỏ-đỏ-xanh” gồm các đảng SPD/Linke/Die Grüne) hoặc bất cứ liên minh “màu đèn giao thông” nào cũng khó nhận được đa số phiếu bầu.
Như vậy, sau kỳ bầu cử, ông Schulz có thể sẽ giữ một chức vị bộ trưởng, thậm chí Phó Thủ tướng, hoặc sẽ trở thành chủ tịch phe đối lập, nếu liên minh “đen-vàng” (gồm đảng UNION và FDP) lên nắm quyền.
Khác với Union, đảng SPD theo đuổi chính sách di dân nhân đạo, muốn tạo thêm nhiều điều kiện cho di dân hội nhập, nhanh chóng tham gia thị trường lao động. SPD ủng hộ việc tự giác xin về nước chứ không cần ra lệnh đuổi cưỡng chế, phòng chống các hành vi cực đoan, bảo thủ và cấp tiến. Đảng này cũng yêu cầu các nước Châu Âu cần thu nhận mức di dân đồng đều như nhau.
Trong chính sách bảo vệ người tiêu dùng, đảng SPD muốn đẩy mạnh việc kiểm tra vệ sinh thực phẩm. Ngân sách quốc gia phải được sử dụng hợp lý, đặc biệt là đặt trọng tâm trợ cấp cho ngành giáo dục và cơ sở hạ tầng.
SPD cũng chú trọng việc trợ giúp các nhà trẻ, có giờ mở cửa linh động hơn, tạo điều kiện đào tạo thêm giáo viên, đầu tư thêm 30 tỉ Euro cho các nhà trẻ miễn phí và nâng cấp trường học.
Đảng SPD cũng dự tính sẽ chỉ áp dụng mốc thuế đỉnh 42% cho người có thu nhập cao từ 60.000€/năm.
Đảng FDP (màu biểu tượng là màu vàng)
Trong kỳ bầu cử trước vào năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử, đảng FDP (màu biểu tượng là màu vàng) phải rút khỏi Quốc hội vì đánh mất 2/3 số cử tri.
Theo một khảo sát năm 2016, FDP đã vượt qua ngưỡng 5%, vì vậy rất có thể sẽ lại được bầu vào Quốc hội. Các chuyên gia năm nay dự đoán rằng, FDP sẽ đạt khoảng 8,5% phiếu bầu, nhiều hơn kỳ bầu cử trước 3,7%.
Đảng FDP đặt mục tiêu đạt chất lượng giáo dục đồng nhất trên cả nước, huỷ bỏ mốc tuổi về hưu, mà mỗi người từ 60 tuổi có thể tự quyết định thời điểm xin về hưu.
Bên cạnh đó, FDP đề nghị phải phân biệt rõ giữa tị nạn chiến tranh và dân nhập cư lâu dài khi xét cho di dân xin cư trú.
Đảng Cánh Tả (Linke)
Năm 2009, đảng Cánh Tả (Linke) từng đạt 11,9% phiếu trong kỳ bầu cử chính thức – một con số đáng nể. Từ năm 2013 đến cuối năm 2016, đảng Linke cũng thường xuyên đạt mốc 11% phiếu bầu trong mỗi kỳ khảo sát.
Tuy nhiên, sang đến đầu năm 2017, đảng này đột ngột mất đi một lượng cử tri lớn. Theo dự đoán, trong cuộc bầu cử sắp tới, đảng Cánh Tả sẽ chỉ đạt khoảng 8% (gần bằng lần bầu cử năm 2013 là 8,6%).
Mục tiêu chính mà Đảng Cánh tả đặt ra trong kỳ bầu cử này là muốn tăng mức lương tối thiểu lên 12€/giờ và huỷ bỏ hệ thống trợ cấp Hartz 4, thay vào đó mỗi người sẽ nhận một khoản sinh hoạt phí cơ bản là 1050€/tháng.
Liên minh 90/đảng Xanh (Bündnis 90/Die Grünen)
So với kỳ bầu cử trước, các chuyên gia cho biết, Liên minh 90/đảng Xanh (Bündnis 90/Die Grünen) sẽ chỉ đạt khoảng 8% phiếu bầu, ít hơn 0,4% so với năm 2013.
Mục tiêu chính của Liên minh 90/Đảng Xanh là bảo vệ môi trường, phản đối chăn nuôi công nghiệp (chăn nuôi tập trung với mật độ cao) và sử dụng chất độc trong ngành nông nghiệp.
Đảng Xanh vẫn mong muốn bảo vệ và giúp đỡ di dân có nơi ăn chốn ở.
Đảng AfD (Alternative für Deutschland, tiếng Việt là Con đường khác cho nước Đức)
Thú vị hơn là đợt bầu cử năm nay vẫn sẽ có sự góp mặt của đảng AfD (Alternative für Deutschland, tiếng Việt là Con đường khác cho nước Đức) – là một đảng chính trị dân túy cánh hữu của Đức, theo chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu.
AfD được thành lập vào ngày 6-2-2013, từng tham gia cuộc bầu cử cùng năm, nhưng vì lúc đó không đạt ngưỡng 5% nên không có ghế đại biểu trong Quốc hội.
Đảng AfD muốn khơi lại cuộc tranh cãi về đồng Euro, ủng hộ việc giải tán khối Châu Âu, thiết lập lại các cửa khẩu hải quan, đóng cửa biên giới, kiểm tra giấy tờ tùy thân khi xuất nhập cảnh đường bộ.
Ngược lại với SPD, đảng AfD hoàn toàn chống đối di dân và không đồng tình với việc trợ cấp các gia đình có con. Theo họ, các vấn đề về dân số không thể giải quyết bằng cách cho phép di dân nhập cư vào Đức.
Nhiều yêu cầu và những mục tiêu khác do đảng này đưa ra trong chương trình bầu cử còn đặc biệt chống đối và chỉ trích Hồi Giáo. Họ đề nghị phải xem xét lại công ước di dân ký tại Genève cũng như những hiệp định khác của các khối liên minh và quốc tế.
Theo các chuyên gia đưa thông tin về bầu cử của Đức dự đoán, đảng UNION (Đảng liên minh CDU/CSU) với bà Thủ Tướng Angela Merkel trong vai trò chỉ đạo vẫn sẽ là đảng mạnh nhất, dẫn đầu với khoảng 38% phiếu bầu, mặc dù hơn đảng SPD 13%, nhưng vẫn ít hơn 3,5% so với kỳ bầu cử năm 2013.
Cẩm Chi