Site icon Thời báo Việt Đức

Chờ liên minh ‘giải vây’ chính trường Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

Một liên minh giữa CDU/CSU với SPD là chọn lựa tốt nhất cho nước Đức, tốt hơn hẳn một liên minh “Jamaica”, một cuộc bầu cử lại hay một chính phủ thiểu số.

Sau tuyên bố sẵn sàng và nghiêng về phương án bầu cử lại vì đảng Dân chủ Tự do (FDP) rút khỏi đàm phán thành lập chính phủ mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây lại điều chỉnh ưu tiên với khẳng định “sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán nhắm tới một chính phủ mới ổn định” sau khi đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã bật đèn xanh cho sự tái hợp dù trong bối cảnh bất đắc dĩ.

Ưu tiên “một nước Đức ổn định”

Hơn ai hết, những nhà lãnh đạo liên đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU)/Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) cùng với đảng SPD đang hiểu rất rõ bầu cử lại là phương án bất lợi cho đại cuộc của nước Đức, xét ở bình diện trong nước lẫn quốc tế.

Việc tổ chức thêm một cuộc bầu cử sẽ trở thành một chỉ dấu cho sự xáo trộn đến mức “không thể thỏa hiệp” của những đảng phái đang có ghế trong Quốc hội Đức mà nguyên nhân căn bản nhất gói gọn trong hai chữ “nhập cư”. Đó là chưa kể đến sự mệt mỏi của cử tri khi phải suy tính, cân nhắc nhiều chọn lựa trong cuộc bầu cử mới. Với thực tế rằng hàng triệu người nhập cư và chính sách của bà Merkel chưa phát huy ưu thế từ năm 2015 đến nay, khả năng cử tri đổi ý dồn phiếu cho phía nữ thủ tướng là rất thấp. Cơ hội gia tăng số phiếu lại rơi vào tay đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) đi theo cực hữu.

Ở bình diện Liên minh châu Âu (EU), thủ tục Anh rút khỏi EU đang bắt đầu bước vào giai đoạn trọng điểm. Nước Đức dù muốn hay không cũng phải trở thành đầu tàu của cỗ máy EU, vốn đang bị đánh giá là cũ kỹ và cần nhiều cải cách đột phá. Một kịch bản nội bộ chính trị Đức bất ổn sẽ làm trì hoãn quá trình cải cách của EU. Bà Merkel chắc chắn không mong muốn điều này xảy ra, đặc biệt khi đã ra sức vực dậy EU trong suốt ba nhiệm kỳ qua.

Những nút thắt phải được tháo gỡ

Thể hiện quan điểm tương tự với bà Merkel, lãnh đạo đảng CSU Horst Seehofer khẳng định: “Một liên minh giữa CDU/CSU với SPD là chọn lựa tốt nhất cho nước Đức, tốt hơn hẳn một liên minh “Jamaica”, một cuộc bầu cử lại, hay một chính quyền thiểu số”.

Việc đàm phán với SPD để tạo ra một “đại liên minh” là phương án ưu tiên với các đảng ủng hộ bà Merkel. Các bên đã có sự thấu hiểu, có các kênh và cách thức đối thoại. Hơn nữa, các chủ trương quản lý nước Đức của cả hai phía có sự tương đồng lớn. Cả hai đều khá cởi mở với chính sách nhập cư, chính sách tự do kinh tế và thắt chặt sự thống nhất ở EU, thái độ với việc Anh rời khỏi EU (Brexit)… Vì vậy, việc đàm phán được kỳ vọng sẽ diễn ra thuận lợi hơn khi cả hai chỉ tập trung vào những khúc mắc hiện tại:

Thứ nhất, cả CDU/CSU của bà Merkel và SPD của ông Schulz sẽ phải thỏa thuận về những khác biệt về chính sách tài chính. Bà Merkel nhắm vào việc thắt chặt ngân sách sau những thành công của Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble giúp ngân sách Đức có thặng dư, đồng thời giảm thuế cho người có thu nhập trung bình và thấp. Trong khi đó ông Schulz lại muốn tăng thuế, song song đó tăng chi tiêu chính phủ cho giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng lương tối thiểu và đảm bảo lương hưu ổn định.

Thứ hai, về chính sách tị nạn và di dân, bà Merkel sau những áp lực chỉ trích nội đảng lẫn từ phe đối lập đã nhượng bộ tương đối khi đặt giới hạn 200.000 người/năm trong thời gian tới. Trong khi đó ông Schulz phản đối chính sách này vì cho rằng nó vi phạm các đạo luật về người tị nạn, đặc biệt tạo bất công đối với tị nạn chính trị. Ngoài ra, những nút thắt về EU và chính sách đối ngoại trong quan điểm của CDU/CSU và SPD tuy có ít mâu thuẫn nhưng cũng cần thời gian để có thể dung hòa. Điển hình, bà Merkel tỏ ra thận trọng hơn ông Schulz trong việc tiếp nhận đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thành lập ngân sách chung và bộ trưởng Tài chính chung cho EU, hay như ông Schulz lại hăng hái hơn trong việc hàn gắn quan hệ với Nga.

Sẽ khó kỳ vọng vào một quyết định rõ ràng từ phía SPD tại cuộc gặp với tổng thống Đức ngày 30-11. SPD trước đó chủ động rút khỏi liên minh để đứng về phe đối lập. Martin Schulz, lãnh đạo SPD, sẽ khó có thể đưa ra những cam kết quan trọng trước khi đại hội đảng SPD diễn ra từ ngày 7 đến 9-12 tới đây. Khả năng là đến đầu năm 2018 mới có kết quả cụ thể về một liên minh mới hoặc một chính quyền thiểu số do bà Merkel dẫn dắt.

Nữ thủ tướng từng đưa nước Đức vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng có tính chất ảnh hưởng toàn cầu, điển hình là khủng hoảng kinh tế năm 2008; đưa EU vượt qua những khoảnh khắc tưởng chừng đã vỡ toang. Tất nhiên, với uy tín và sự rắn rỏi của “người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu”, việc đưa Đức thoát khỏi sự xáo trộn chính trị hiện nay không phải là điều không thể.

___________________

Lãnh đạo của ba đảng phái CDU/CSU và SPD sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier vào thứ Năm (30-11) để tìm lối thoát cho chính trị Đức đang xáo trộn cục bộ.

Theo Đỗ Thiện (Từ CHLB Đức) / plo.vn

Exit mobile version