Site icon Thời báo Việt Đức

Chống khủng bố trong lòng châu Âu thực sự bắt đầu

Nguy cơ tấn công khủng bố châu Âu vào thời điểm này rất lớn và các chuyên gia dự báo, khả năng thích nghi và sáng tạo của những kẻ khủng bố gây ra nhiều khó khăn đối với lực lượng an ninh.

Theo một báo cáo vừa được trình lên Ủy viên phụ trách Quốc phòng – An ninh của Liên minh châu Âu (EU), trong khoảng hơn 5.000 người châu Âu gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq (từ  năm 2011-2016), có từ 1.200 – 3.000 người có thể trở lại lãnh thổ châu Âu, bao gồm 460 trẻ em ở Pháp.

 “Xác” ở châu Âu, “hồn” gắn IS

Báo cáo nói trên xuất phát từ Mạng lưới của châu Âu về nâng cao nhận thức về sự cực đoan (RAN – được Ủy ban châu Âu lập năm 2013). Theo báo cáo này, nếu IS bị thất bại về mặt quân sự hoặc sụp đổ, số lượng các chiến binh nước ngoài quay trở lại châu Âu (đặc biệt là tại Áo, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển và Anh) dự báo sẽ tăng lên.

Nhà chức trách vùng Rhin, Đức thực hiện khảo sát với 784 cá nhân tham gia các tổ chức khủng bố tại Syria và Iraq, trong số những người mang quốc tịch Đức, nay có 247 người trở về. Kết quả cho thấy, 48% trong số họ vẫn trung thành với môi trường cực đoan; 8% mong muốn trở về để “nghỉ ngơi” trước khi cố gắng quay trở lại Syria hoặc Iraq; chỉ 10% trong số người trên cho thấy sự thất vọng với hệ tư tưởng cực đoan mà họ đã từng tôn thờ, đặc biệt là với IS.

Trong khi đó, ngoài số cựu binh thánh chiến đã trở về, một thách thức với Pháp là khoảng 460 trẻ em sống tại khu vực giáp ranh giữa Iraq và Syria có khả năng trở lại nước này. Một nửa trong số đó dưới 5 tuổi và 1/3 sinh ra trong vùng lãnh thổ do IS kiểm soát. Trẻ em là nạn nhân của sự truyền bá mạnh mẽ hệ tư tưởng, học vấn và xã hội. Các bé trai được tuyển lựa từ khi 9 tuổi để chiến đấu và tham gia các hoạt động bạo lực, trong khi các bé gái thường bị buộc phải ở nhà cùng mẹ để học cách hỗ trợ người chồng tương lai của mình. Bé trai và bé gái đều phải chịu những chấn thương tinh thần trầm trọng khi quay về. Vì vậy, quá trình bình thường hóa và tái hòa nhập xã hội cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, ngay sau khi họ trở về.

Thiếu cách tiếp cận toàn diện

Các tác giả của báo cáo cũng đã phân biệt 2 nhóm “người trở về”. Nhóm đầu tiên bao gồm chủ yếu những người đàn ông đã trở về, hết ảo ưởng, ít bạo lực hơn và tương đối tự do để rời khỏi các vùng lãnh thổ do khủng bố kiểm soát. Nhóm thứ hai là những chiến binh hiện tại. Đó là những người thiện chiến, được gắn với hệ tư tưởng và có thể trở lại châu Âu với mục tiêu bạo lực: tấn công các công dân của chính châu Âu.

Gilles de Kerchove, điều phối viên chống khủng bố của EU, cảnh báo, những người quay trở về vẫn duy trì liên hệ với IS tại các khu vực xung đột thông qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và đặc biệt là qua dịch vụ Telegram. Các nước châu Âu không có được cách tiếp cận thống nhất đối với các chiến binh thánh chiến này và đang phải vật lộn để kiếm tìm giải pháp chống đỡ hiệu quả đối với tuyên truyền khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Điều phối viên về phòng chống khủng bố của EU khuyến cáo các nước thành viên cần xây dựng một cách tiếp cận toàn diện, thực hiện trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài ra, cũng cần phải tăng cường hợp tác với các quốc gia được xem là địa bàn “quá cảnh” của các đối tượng khủng bố.

Đến nay, gần một nửa trong số người châu Âu gia nhập IS đã trở về Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển và Anh. Nguy cơ tấn công khủng bố châu Âu vào thời điểm này rất lớn và các chuyên gia dự báo, khả năng thích nghi và sáng tạo của những kẻ khủng bố gây ra nhiều khó khăn đối với lực lượng an ninh. Mỗi ngày trôi qua, IS mất đi một phần lãnh thổ của mình và cuộc chiến diễn ra trong lòng châu Âu bây giờ mới thực sự bắt đầu.

Theo Đỗ Cao (tổng hợp) / sggp.org.vn

Exit mobile version