Site icon Thời báo Việt Đức

Những lưu ý khi chuẩn bị thị thực thăm người thân ở Đức

Ảnh Chí Vỹ

TBVĐ- Mùa hè ở nước Đức (từ tháng 6 đến tháng 8, với nhiệt độ trung bình từ 15 – 30 độ C) là thời điểm lý tưởng để du lịch Đức. Do đó, vào thời điểm này số lượng người Việt đón người thân sang Đức rất nhiều.

Độc giả Lý Hoàng Nam (Thüringen) đã gửi câu hỏi về Thời báo Việt Đức như sau: Hè năm nay tôi có dự định mời bố mẹ và cháu 11 tuổi sang Đức chơi 3 tháng. Hiện tôi đang chuẩn bị hồ sơ thủ tục để làm thư mời. Xin quý báo tư vấn cho tôi biết những lưu ý khi mời người thân sang Đức và đối với trẻ dưới tuổi vị thành niên không đi cùng bố mẹ cần lưu ý điều gì?

Đối với những người lần đầu làm thủ tục xin visa thường phát sinh một số vấn đề.

Khi chuẩn bị hồ sơ

Giấy cam kết bảo lãnh: Sau khi nộp những giấy tờ chứng minh khả năng tài chính, người mời sẽ nhận được giấy cam kết bảo lãnh theo mẫu chung trên toàn nước Đức. Khi đó cần chú ý mặt sau xem có bị đánh dấu vào mục „không được chứng minh“ („nicht nachgewiesen“) hoặc “không đáng tin cậy” („nicht glaubhaft gemacht“) không, do nếu có thì giấy sẽ không có giá trị trong quá trình xin thị thực.

Hộ chiếu người được mời: Còn hạn ít nhất 3 tháng sau ngày dự kiến xuất cảnh ra khỏi lãnh thổ của các nước thuộc khu vực Schengen, phải có ít nhất 2 trang còn trống, không được cấp trước thời điểm nộp đơn hơn 10 năm, phải được ký tên.

Giấy tờ chứng minh mối quan hệ ràng buộc ở Việt nam: Nếu bố mẹ anh chị còn có các con khác ở Việt nam thì trong hồ sơ cần bổ sung sổ hộ khẩu,  giấy chứng minh nhân dân của các con mặc dù họ không đi cùng…Một số trường hợp đã phải bổ sung các giấy tờ này gây mất thời gian và tiền bạc nếu ở xa Hà nội hoặc Sài gòn.

Đặt lịch hẹn: Nên đặt sớm nhất nếu có thể, do trong thời gian cao điểm rất khó đăng kí được lịch hẹn với Đại sứ quán Đức. Thời hạn sớm nhất có thể nộp đơn xin thị thực là 90 ngày và muộn nhất 3 tuần trước ngày bay dự kiến. Lưu ý cần đặt 2 lịch hẹn cho 2 người với 1 thư mời chung, người vào trước nộp bản gốc, người vào sau sẽ nộp bản photo.

Khi nộp hồ sơ, nhận Visa

Các giấy tờ nên được xắp xếp theo hướng dẫn „Thị thực thăm thân“ trên web của Đại sứ quán Đức. Đối với trường hợp người lớn tuổi, thông thường nhân viên người Việt sẽ nhận hồ sơ, kiểm tra xem giấy tờ có hợp lệ không và sẽ hỏi vài câu liên quan đến mục đích chuyến đi… Nếu giấy tờ thiếu hoặc không hợp lệ sẽ được yêu cầu bổ sung, khoảng 2 tuần sau sẽ nhận được Visa. Khi nhận Visa cần kiểm tra tất cả thông tin. Nếu phát hiện sai sót về dữ liệu trong thị thực hoặc thời gian của thị thực cần sửa lại. Do đó nên nộp đơn xin thị thực muộn nhất 3 tuần trước chuyến đi.

Khi xuất nhập cảnh ở Đức

Ví dụ ở Arnstadt- Thüringen, người được mời phải trình diện sau khi đến và được cấp 1 giấy chứng nhận, giấy này khi xuất cảnh nộp cho cảnh sát ở sân bay, họ đóng dấu và tự gửi lại cho sở ngoại kiều nơi cấp thư mời, tiền sẽ tự động được chuyển lại cho người mời sau khi họ nhận được thư xác nhận của hải quan cửa khẩu.

Lưu ý với trẻ dưới tuổi vị thành niên

Đối với mỗi đứa trẻ phải khai 2 đơn xin thị thực riêng do những người có quyền nuôi dưỡng ký (thông thường là cả bố và mẹ) và trẻ em phải trực tiếp có mặt khi nộp đơn. Trẻ em tròn 16 tuổi phải tự tay ký thêm vào đơn của mình. Ngoài ra phải có thêm những giấy tờ sau: (i) Bản tuyên bố đồng ý của tất cả những người có quyền nuôi dưỡng (lập mới trong vòng 6 tháng trở lại). Bản tuyên bố này phải nêu rõ, người có quyền nuôi dưỡng đồng ý cho đứa trẻ xuất cảnh, đi cùng với ai, trong khoảng thời gian nào, đi tới đâu, ai là người đại diện theo luật định của đứa trẻ ở Đức; (ii) Giấy khai sinh của đứa trẻ; (iii) Một bản phô tô trang đầu tiên hộ chiếu quốc gia/hộ chiếu phổ thông của người ký giấy đồng ý.

Lưu Phong

Exit mobile version