Site icon Thời báo Việt Đức

Chung riêng bất hợp

Hội nghị cấp cao đặc biệt lần này của EU hôm 24.6 bàn chuyên về vấn đề tị nạn. Nó đặc biệt ở chỗ, tương lai chính trị của đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của nó.

Cũng có thể nói vì bà Merkel mà có sự kiện này. Một số thành viên EU tuyên bố từ trước đó là sẽ không tham gia hội nghị, bởi không đồng tình với việc EU thông qua giải pháp nào đấy về vấn đề người tị nạn rồi bắt buộc họ phải tuân thủ.

Nóng trở lại vấn đề người tị nạn

Vấn đề người tị nạn lại đột nhiên trở nên rất thời sự đối với EU và hiện là thách thức lớn nhất đối với EU, còn hơn cả việc bị phía Mỹ khiêu chiến về thương mại và làm lu mờ việc Hy Lạp đã thoát được ra khỏi khủng hoảng tài chính và nợ công, tức là EU, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không còn phải bơm tiền cứu trợ nước này nữa.

Có 2 lý do. Thứ nhất là dòng người tị nạn lại đổ dồn nhiều về EU, tạo nên tình huống khó khăn và phức tạp mới về cả an ninh lẫn nhân đạo đối với EU. Nguyên nhân thứ 2 là bà Merkel, từ trước tới nay trong EU được coi là đóng vai trò quyết định nhất đối với việc giải quyết vấn đề người tị nạn, bị thách thức quyền lực thật sự và quyết liệt bởi chính Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer. Ông Seehofer còn là chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo Đức (CSU), 1 trong 3 đảng cùng cầm quyền trong chính phủ liên hiệp của bà Merkel.

Trong khi bà Merkel chủ trương “giải pháp Châu Âu” cho vấn đề người tị nạn, tức là giải pháp được thoả thuận chung trong EU, thì ông Seehofer quyết chí “giải pháp quốc gia”. Người này ra tối hậu thư cho bà Merkel là trong vòng 2 tuần phải có được giải pháp chung mới trong EU, mà giải pháp ấy phải như “giải pháp quốc gia” của ông Seehofer, nếu không sẽ tự hành động, tức là sẽ tự quyết định tất cả. Một khi tự quyết định hành động như thế, ông Seehofer sẽ thách thức vị thế quyền lực của bà Merkel, buộc bà này phải quyết định sa thải ông Seehofer, tức là chính phủ liên hiệp ở nước Đức sẽ tan vỡ. Ông Seehofer đã công khai cảnh báo bà Merkel chớ nên hành động như vậy.

Bị kịch quyền lực cá nhân của bà Merkel và thách thức với EU

Ông Seehofer chủ trương đẩy ngay từ biên giới nước Đức những người tị nạn đã xin tị nạn và đã bị từ chối tị nạn ở 1 nước thành viên EU khác. Nghe thì đơn giản vậy, nhưng trong thực chất thì ý tưởng giải pháp này của ông Seehofer là đóng cửa và kiểm soát toàn bộ biên giới của nước Đức trong EU, là không còn tuân thủ mọi quy định hay thoả thuận từ trước đến nay của EU về xử lý vấn đề người tị nạn, cả định hướng giải pháp lẫn quy trình xử lý. Cái chung và riêng không thể hợp nhau này hiện là bi kịch quyền lực của cá nhân bà Merkel và thách thức lớn đối với EU. Nhượng bộ ông Seehofer và đảng CSU ở Đức thì bà Merkel sẽ bị mất hết ảnh hưởng, vai trò và uy quyền ở trong EU. Nhưng nếu không nhượng bộ ông Seehofer và đảng CSU thì bà Merkel không tránh khỏi nguy cơ bị mất quyền ở nước Đức.

Cuộc thượng đỉnh của EU được tổ chức vội vàng để cứu bà Merkel. Nó mang tính không chính thức, bởi ngay từ đầu đã bị một số thành viên EU tẩy chay. Để cứu bà Merkel, Uỷ ban EU trong tư cách đứng ra tổ chức sự kiện này và mời các thành viên EU tham dự hiện thiên về ý tưởng thành lập các khu trại ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ các nước thành viên EU để gom lại những người tị nạn, phân loại phục vụ cho xử lý, nếu chấp nhận cho tị nạn thì phân bổ cho các thành viên EU nhận, còn nếu không chấp nhận cho tị nạn thì đẩy trả về nơi xuất phát.

Ý tưởng này khác với thoả thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ – mà bà Merkel đóng vai trò quyết định – ở chỗ Thổ Nhĩ Kỳ được trả tiền, rất nhiều tiền, để nhận những người tị nạn đã xâm nhập vào lãnh thổ của EU nhưng không được EU chấp nhận cho tị nạn. Bây giờ, lập khu trại cho người tị nạn ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ các nước thành viên EU là cách đẩy vấn đề người tị nạn từ bên trong ra bên ngoài EU, tức là làm cho vấn đề mà ông Seehofer ở Đức muốn giải quyết theo cách riêng của mình không còn đặt ra nữa, và do đó, người này không còn có lý do gì nữa để thách thức quyền lực của bà Merkel. Ý tưởng giải pháp này cũng giúp EU vô hiệu hoá được yêu cầu đòi hỏi mạnh mẽ của không ít thành viên về tăng cường kiểm soát ngặt nghèo biên giới bên ngoài của EU.

Tuy nhiên, hiện có 2 cái khó khiến ý tưởng này có thể bất khả thi đối với EU. Thứ nhất, EU phải có được nước nào đó ở Châu Âu và bên ngoài EU chấp nhận cho thành lập những khu trại ấy. EU nhằm vào Albania nhưng nước này chưa chấp nhận. Thứ 2, không phải mọi thành viên EU đều chấp nhận sự phân bổ số lượng người tị nạn được EU chấp nhận cho tị nạn. Cho nên, cuộc cấp cao này của EU chưa giải quyết được ổn thoả vấn đề và do vậy, chưa giúp bà Merkel thật sự thoát hiểm và thoát hoạ.

Theo Ngạc Như / laodong.vn

Exit mobile version