Site icon Thời báo Việt Đức

Chuyên gia nhận định Eurozone khó tránh nguy cơ suy thoái

Các quốc gia khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) có 80% nguy cơ suy thoái trong 12 tháng tới do giá năng lượng tăng vọt và suy giảm nguồn cung điện nghiêm trọng.

Theo Bloomberg ngày 19/9, dự báo trên do các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc thăm dò ý kiến.

Con số 80% nói trên tăng so với 60% trong một cuộc khảo sát trước đó. Con số này cũng cho thấy dự báo nguy cơ suy thoái trong khu vực Eurozone đang ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2020.

Nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức sẽ là nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất do giảm nguồn cung khí đốt. Dự báo kinh tế Đức bắt đầu suy giảm ngay quý này.

Tình hình chắc chắn đang trở nên trầm trọng hơn do Nga đã ngừng cung cấp khí đốt mới đây. Vào tháng 8, đường ống Nord Stream 1 đã bị đóng cửa vô thời hạn do các vấn đề kỹ thuật phát sinh từ lệnh trừng phạt. Nga chỉ chuyển một lượng nhỏ khí đốt tới châu Âu bằng đường ống trung chuyển còn lại chạy qua Ukraine và đường ống TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Lượng khí đốt mà Nga xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm 50 tỷ m3 trong năm nay. Năm ngoái, Nga đã xuất sang EU khoảng 150 tỷ m3 khí đốt. Tuy nhiên, trong năm nay, nguồn cung năng lượng của Nga sang châu Âu đã giảm đáng kể do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.

Trước đây, Nga cung cấp cho các nước EU khoảng 40% lượng khí đốt các nước này cần. Con số này đã giảm xuống còn 9%. Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo nước này sẽ ngừng xuất khẩu năng lượng nếu các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ.

Trong khi đó, các nhà phân tích lưu ý rằng tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung trên toàn khu vực đồng euro tiếp tục kéo giảm tăng trưởng. Họ lưu ý rằng lạm phát dự kiến ​​đạt đỉnh trong quý 4 năm 2022. Các nhà kinh tế được thăm dò ý kiến ​​dự báo lạm phát sẽ không giảm xuống mức 2% như mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu đặt ra đến năm 2024.

Trước đó, theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 16/9, tỷ lệ lạm phát tại EU đã tăng lên mức kỷ lục 10,1% trong tháng 8, tăng đáng kể so với mức 9,8% của tháng 7.

Tại Eurozone, tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 là 9,1%, cao hơn mức 8,9% trong tháng 7. Các tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 khi lạm phát tại Eurozone chỉ là 3% và toàn EU là 3,2%.

Pháp là quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong tháng 8 với 6,6%, tiếp theo là Malta với 7% và Phần Lan với 7,9%. Ngược lại, lạm phát vẫn cao nhất tại 3 quốc gia vùng Baltic: Estonia (25,2%), Latvia ( 21,4%) và Litva (21,1%).

So với tháng 7, tỷ lệ lạm phát tính theo năm giảm tại 12 quốc gia thành viên EU và tăng ở 15 quốc gia còn lại. Tại khu vực Eurozone, vấn đề tăng giá năng lượng góp phần lớn nhất gây ra tình tình trạng lạm phát, với tỷ lệ 3,95%. Tiếp đó là các mặt hàng thực phẩm, rượu và thuốc lá (2,25%), dịch vụ (1,62%) và hàng công nghiệp phi năng lượng (1,33%).

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nguồn: baotintuc.vn
Exit mobile version