TBVĐ- Đó là một câu hỏi tưởng chừng dễ, nhưng không hề dễ với nhiều người.
Ngày trước người Việt ít khi nghĩ đến việc bán nhà ở Việt Nam mang tiền sang Đức mua nhà ở hoặc cho thuê. Từ khi có luật thừa kế, chuyển tiền hợp pháp sang Đức được, lại cộng với tuổi tác ngày càng cao. Tư duy của nhiều người đã đổi thay, ngoài ra cũng có khi do hoàn cảnh mà hình thành một trào lưu bán nhà mang tiền sang đầu tư bên Đức.
Nhà anh chị Hà Hùng, người đã chuyển tiền sang mua hai căn hộ tại Đức, một ở, một cho thuê kể rằng, anh chị có ngôi nhà ở Hà Nội nhiều năm chỉ để đấy cho mẹ anh ở. Sau khi mẹ mất, anh định cho thuê nhưng đi về khó khăn, nhờ người nhà cũng phiền hà. Cho thuê cũng không được nhiều như mong đợi mà hỏng hóc liên tục nên anh chị quyết định bán đi chuyển tiền sang Đức đầu tư. Anh bảo từ đó đến nay anh thấy nhẹ nhàng hơn vì không phải trả tiền thuê nhà lại có thu nhập ổn định từ căn hộ cho thuê nên anh rất hài lòng.
Ngược lại, gia đình Chị Vân lại tính khác. Chị có căn nhà ở Hà Nội, nằm trong khu có nhiều trường đại học nên chị vay thêm tiền xây lên làm nhà trọ. Việc quản lý trao cả cho gia đình chị gái như hình thức cho thuê. Chị em sát cánh, sau một thời gian thì thu vốn, giờ chị cũng có khoản thu hàng tháng để dành. Chị bảo chị không muốn mang hết sang đây vì mấy lý do.
Một là giá đất bên Đức không tăng đều như ở nhà, hai là có tài sản sau này khó xin tiền xã hội. Tâm lý này thực ra không chỉ là của riêng vợ chồng chị Vân mà của khá nhiều người. Trong đó có vợ chồng chị Xuân. Nhà anh chị ở Đức có một cái cửa hàng bé bán rau quả. Hai vợ chồng thay nhau khuya sớm tảo tần. Nhà đi thuê mùa đông rất lạnh vì tiết kiệm và thích ở nhà thật rẻ. Trong khi đó ở quê nhà anh có hẳn một cái khách sạn cho thuê, tâm lý của vợ chồng anh là không muốn khai tài sản nhiều để xin tiền trợ cấp nhiều nhất có thể, nhất là lúc về già.
Đến vợ chồng anh Hiền lại khác. Họ ở Sài Gòn nên mua nhà đất ở thành phố đã đành, họ còn đầu tư vào biệt thự biển và các khu giải trí trong nước. Tiền rất nhiều nhưng nhất định chỉ mua một ngôi nhà bên này để ở. Anh chị nói nước Đức quản lý chặt chẽ, quá khó làm ăn. Có nhiều tài sản phải đóng thuế thu nhập mất rất nhiều, vì lý do đó họ không mang tiền sang đây. Họ đầu tư buôn bán bất động sản ở nhà. Cuộc sống của họ so với rất nhiều người Việt ở Đức thì đúng là đại gia. Sống một cuộc đời vương giả.
Nhưng đúng là mỗi nhà một cảnh, vợ chồng anh Tuấn có thể nói là đại diện cho rất nhiều gia đình có người nhà rắc rối ở quê hương lại thế này. Anh Tuấn mua lại ngôi nhà mặt phố của chính bố mẹ mình để ông bà lấy tiền chia cho các thành viên trong gia đình. Bố anh sợ khi ông bà không còn nữa con cái tranh giành mất đoàn kết.
Tưởng mọi việc thế là xong, vì mua rồi anh chị vẫn để mẹ ở trong ngôi nhà đấy như xưa, chị gái hàng ngày chăm sóc mẹ anh nên cũng bán buôn trong nhà luôn. Từ khi mẹ mất, vợ chồng anh muốn lấy lại nhà cho thuê thì bị cả gia đình phản đối. Vì mọi người cho rằng đấy như nhà thờ tổ, anh không được phép tự tiện cho thuê hay bán mà chỉ để làm nơi đi về thờ phụng cha mẹ, tổ tiên. Vợ anh không chịu, chị bảo mua nhà là để sử dụng chứ không phải làm nhà thờ tự vì bố mẹ mất rồi, nhà ai rước các cụ về thờ nhà đấy. Còn muốn để làm nhà thờ thì trả lại tiền cho vợ chồng chị, nhưng anh chị em ở nhà tiền tiêu hết rồi hoặc do tham không muốn trả lại.
Mọi việc rắc rối đến nỗi phải ra toà giải quyết, lấy được nhà nhưng tình cảm anh em mất hết chẳng còn gì. Vợ chồng anh đành bán ngôi nhà chuyển tiền sang Đức. Sợ để tiền tiêu hết, anh chị đầu tư vào nhà đất nhưng khi đó bất động sản ở Đức giá chưa cao như bây giờ nên mua xong chỉ mấy năm anh chị bỗng có giá rất hời. Anh bán căn nhà mua hồi đó, vay thêm tiền chuyển đổi thành hai căn hộ. Anh nói rằng căn hộ không mất công chăm sóc. Kể cũng có lý vì nhà để ở thì anh chị có rồi nên mua căn hộ sẽ đơn giản hơn trong việc quản lý và cho thuê.
Hàng ngày anh chị vẫn bán buôn bình thường, số tiền cho thuê đắp vào tiền vay ngân hàng, còn dư một ít. Sau này trả hết tiền vay, hàng tháng tiền cho thuê để hưởng tuổi già khỏi phải đi xin tiền xã hội rắc rối. Hơn nữa anh chị cũng sợ phiền hà con cái vì chúng đều có bằng cấp, công việc hẳn hoi nên bố mẹ cũng không dễ dàng xin trợ cấp.
Đến vợ chồng anh Hoà cũng hoàn cảnh với gia đình ở Việt Nam, nhờ bố đứng tên nhà. Ông bán luôn chia cho các con, thế là vợ chồng anh chị sinh mâu thuẫn, anh còn căng thẳng đến độ bị bệnh nặng. Cuối cùng đòi được một ít tiền, cũng sợ để rồi tiêu hết. Anh chị vay thêm mua căn nhà nhỏ để ở. Từ đó anh chị mới thấy tiền nên gắn liền khúc ruột đúng ra sao. “Anh chị cũng thích làm vườn, tuổi già vui thú điền viên. Sau này già lương hưu không đủ ăn thì xin trợ cấp và bảo hiểm” chị nói vậy.
Tóm lại, bán nhà đầu tư ở Đức hay để ở Việt Nam không có một mẫu số chung. Thực tế còn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh như ta đã thấy. Vì vậy thật khó rút ra kinh nghiệm hay một lời khuyên cụ thể mà tuỳ thuộc tính toán của mỗi người. Bản thân tôi mua hai căn nhà ở Đức và tôi không ân hận điều gì cả. Vì đúng là” Sống cái nhà, già cái mồ”, tuy có thể có chút thiệt thòi nhưng mình được tự do đấy là giá trị rất lớn.
Thiên Nga