Nhiều người Việt sống ở Đức vẫn coi nặng vấn đề “thành tích” trong việc học của trẻ.
Chia sẻ với Thời báo Việt Đức, nhiều phụ huynh cho biết họ luôn đốc thúc con mình học ngày học đêm và cho con đi học thêm từ khi mới đến trường, chỉ mong đạt mức điểm tốt nhất để sau lớp 4 được vào học trường chọn (Gymnasium) vì môi trường ở đó dù sao cũng hơn nhiều trường bình thường khi số học sinh di dân (như người Thổ, người Châu Phi) ngày một tăng. Mặt khác có nhiều người vì quá bận rộn, lo sợ khác biệt ngôn ngữ, không đủ trình độ dạy con nên cũng cho con đi học thêm rất sớm.
Hiểu triết lý giáo dục của người Đức
Xã hội Đức thì đề cao cá thể. Mỗi người tự đại diện và chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình. Giáo dục và hướng nghiệp ở Đức đặt trọng tâm vào thực hành và sáng tạo, bởi vậy, đa số người Đức để con mình được tự do chọn lựa trường học, nghề nghiệp tùy theo sở thích và khả năng, không bắt buộc con phải học cao hay theo một nghề mà con không muốn.
Cha mẹ Đức thường khuyến khích con tự học. Trẻ có thể bị điểm kém, nhưng phải tự tìm cách gỡ điểm như xung phong lên bảng, bổ sung điểm miệng, tự chọn đề tài lên phát biểu trước lớp v.v… Tất nhiên, vẫn có những bậc cha mẹ người Đức cho con đi học thêm, nhưng đa số chỉ trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo một khảo sát của Bertelsmann-Stiftung được trích dẫn trên báo NOZ (Osnabrücker Zeitung) đầu tháng 1 vừa qua thì có khoảng 1,2 triệu học sinh ở Đức tham dự các lớp học thêm – phần lớn không chỉ vì học kém, mà còn vì các bậc cha mẹ muốn con mình phải giỏi hơn nữa.
Làm sao biết nên cho con học thêm hay không?
Báo “Schule & Familie” thống kê rằng, nguyên nhân khiến trẻ học kém không chỉ nằm ở cá nhân trẻ, mà còn do môi trường xung quanh, cách giảng bài của thầy cô, do bạn bè và thậm chí sức khỏe của trẻ. Để biết con mình có thật sự cần đi học thêm không, ngoài việc theo sát mức điểm, cha mẹ cần nói chuyện với thầy cô chủ nhiệm. Có những trẻ học rất giỏi các môn tự nhiên nhưng không có năng khiếu ngoại ngữ, và rất nhiều trẻ giảm học lực khi bước sang tuổi dậy thì. Đôi khi không nhất thiết cứ bị điểm kém là phải đi học thêm, mà chỉ cần chăm chỉ hơn, bỏ thêm 30 phút mỗi ngày để làm bài tập có sẵn trong sách là được. Các trường học Đức đều tổ chức giờ học ngoại khóa miễn phí để trợ học, giúp làm bài về nhà, thậm chí có cả đội ngũ giáo viên, bác sỹ chuyên về tâm lý học đường (Schulpsychologen), giúp trẻ thêm động lực học tập, hòa nhập.
Hãy để trẻ con “vô ưu vô lo” Học thêm nhiều hoặc quá lâu sẽ khiến trẻ hình thành thói quen ỷ lại, không tự lập trong suy nghĩ, mất đi tính sáng tạo và khả năng tự học. Trẻ con vẫn cần những giây phút vô ưu vô lo, đôi khi ham chơi rồi “tặc lưỡi” lười một buổi, đôi khi chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể khiến chúng học kém đi. Cha mẹ nên thường xuyên gần gũi và tìm hiểu xem con mình gặp vấn đề gì: Do nơi ở mới/trường mới khiến trẻ không thích ứng? Giáo trình năm nay khó hơn? Thầy cô giảng bài khó hiểu? Hay vì gia đình đang gặp chuyện buồn khiến trẻ lo lắng, mất tập trung? Học thêm không phải là giải pháp thần kỳ cho bất cứ đứa trẻ nào, đặc biệt nếu trẻ đột ngột học kém đi vì tác động từ bên ngoài. Mắng mỏ, phê phán sẽ không mang lại điều gì cho cả đôi bên, mà cha mẹ nên động viên con nhiều hơn, dành thời gian cho nhau nhiều hơn, cùng đi xem phim, chơi một trò chơi, tập thể thao, đi xem đá bóng, đi shopping v.v… Học kém có thể thay đổi nhờ cố gắng, nhưng thời gian để gia đình cùng nhau vui vẻ cười nói, cùng nhau trải nghiệm cuộc sống nếu đã bỏ qua thì cố gắng cách nào cũng không lấy lại được. (Phụ huynh N.C.C tại Chemnitz) |
Cẩm Chi (Thời báo Việt Đức)
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!