Site icon Thời báo Việt Đức

Cơ sở hạ tầng giao thông ở Đức là lợi thế cạnh tranh quốc gia

Đường cao tốc Đức. Ảnh: Hải Nam

Mặc dù mạng lưới hệ thống giao thông bị hư hại nặng nề sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, Cộng hòa Liên bang Đức hiện lại đang sở hữu một trong những hệ thống giao thông hiệu quả, phát triển nhất châu Âu. Do vị trí đặc biệt nằm ngay tại trung tâm của châu lục, toàn bộ hệ thống giao thông của các quốc gia khu vực đều kết nối tới Đức. Theo thống kê của Chính phủ, năm 2012 hệ thống đường sắt của Đức đã có chiều dài lên tới 44.000km, phần lớn được quản lý và vận hành bởi Công ty Hệ thống Đường sắt Liên bang do Chính phủ Đức điều hành. Hiện có khoảng 20.300km đường sắt đã được điện khí hóa.

Về hệ thống giao thông đường bộ, hiện tại Đức đang sở hữu 650.000km đường, trong đó hệ thống đường địa phương chiếm tới 231.000km. Hệ thống đường bộ Đức là hệ thống có lượng phương tiện lưu thông lớn nhất châu Âu. Chỉ trong năm 2015, tổng quãng đường toàn bộ lượng xe hơi tại Đức di chuyển đã lên tới 02 nghìn tỷ kilomet, một con số khủng khiếp nếu so sánh với 76 tỷ kilomet di chuyển bằng đường sắt và 35 tỷ kilomet di chuyển bằng đường hàng không. Bên cạnh đó, Đức còn sở hữu hệ thống đường cao tốc Autobahn, có tổng chiều dài lên tới 12.996km và là một trong những hệ thống đường cao tốc có mật độ sử dụng lớn nhất thế giới. Điểm đặc biệt của mạng lưới Autobahn nằm ở quy định không giới hạn tốc độ di chuyển của phương tiện. Tuy nhiên, giới hạn khuyến cáo luôn nằm ở mức 130 km/h.

Đối với giao thông đường thủy nội địa, theo số liệu thống kê năm 2012, tổng chiều dài của các tuyến đường thủy nội địa và kênh đào thường xuyên được sử dụng là 7.500km. Các kênh liên kết chính bao gồm sông Elbe với sông Emsi, Dortmund và biển Baltic với biển Bắc. Tuyến đường thủy nội địa quan trọng nhất bao gồm sông Rhine và các tuyến nhánh với khối lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến này lớn hơn bất kỳ tuyến đường thủy còn lại nào của châu Âu. Hệ thống kênh Kiel có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối biển Baltic và biển Bắc. Các cảng và cảng chính bao gồm Berlin, Bonn, Phanh, Bremen, Bremerhaven… Hiện tại, Đức đang sở hữu đội tàu buôn gồm 427 chiếc.

Về giao thông hàng không, toàn nước Đức hiện đang có 539 sân bay, trong đó có 318 sân bay đã được lát đường nhựa và 23 bãi đỗ trực thăng. Năm 2013, Đức là quốc gia có thị trường máy bay chở khách dân dụng lớn thứ năm trên thế giới với 105.016.346 hành khách và và 7.026 triệu tấn hàng hóa được lưu thông. Tuy nhiên, sự ra đời của tuyến đường sắt mới tốc độ cao đã khiến cho ngành Hàng không tại Đức vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt.

Để đạt được những thành công lớn trong xây dựng, cải thiện hệ thống giao thông quốc gia, Đức liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1990. Trong khi hệ thống công nghiệp quốc gia thời kỳ đầu đã đầu tư hơn 122,2 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng đường thủy và hàng hải, Bộ GTVT và Cơ sở hạ tầng Liên bang đã cùng khởi động chương trình thu hút đầu tư các nguồn vốn tư nhân với tổng số vốn thu hút được lên tới 111,1 tỷ USD. Khả năng thu hút vốn đầu tư hiệu quả đã giúp Chính phủ Đức có đủ tiền để phát triển hệ thống giao thông có sự đồng bộ hóa cao. Với nguồn vốn dồi dào, tính đến tháng 10/2017, Chính phủ Đức đã có 189 dự án cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược đang được triển khai với tổng giá trị đầu tư lên tới 129,6 tỷ USD. Trong đó, dự án lớn nhất là kế hoạch mở rộng sân bay Brandenburg thuộc Thủ đô Berlin có tổng trị giá 7 tỷ USD.

Bên cạnh những thành công đạt được, hiện tại Chính phủ Đức cũng đang gặp phải những thách thức không nhỏ do sự gia tăng dân số dẫn tới mật độ sử dụng giao thông gia tăng chóng mặt, khiến cho áp lực lên hệ thống giao thông ngày càng lớn. Theo các dữ liệu nghiên cứu, tổng chiều dài quãng đường di chuyển trên toàn hệ thống giao thông quốc gia sẽ tăng thêm 12,2% vào năm 2030, đồng thời lượng vận chuyển hàng hóa cũng được dự đoán tăng thêm 38%. Sự gia tăng về mật độ sử dụng hiện đang khiến cho hệ thống giao thông đường bộ và hàng không đối mặt với báo động quá tải. Bên cạnh đó, nghiên cứu kinh tế cũng dự đoán nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào hệ thống giao thông quốc gia cũng sẽ gia tăng chóng mặt.

Trước những thách thức trên, Chính phủ Đức đã thông qua Kế hoạch Hạ tầng Giao thông Liên bang 2030 (FTIP) với các kế hoạch trọng tâm nhằm vào nâng cấp cho hệ thống đường sắt liên bang, đường bộ và cơ sở hạ tầng đường thủy. Ưu tiên hàng đầu trong FTIP là duy trì cấu trúc của mạng lưới giao thông hiện có. Kế hoạch FTIP được cho là bước đi táo bạo của Đức với hơn 2.000 dự án đề xuất liên quan đến sửa chữa, xây mới hạ tầng giao thông. Các dự án trong FTIP cũng đưa tổng vốn đầu tư lên tới 269 tỷ USD. Trong đó, 112,3 tỷ USD sẽ được đầu tư vào đường sắt, 132,8 tỷ USD đầu tư vào hệ thống đường xe tải và 24,5 tỷ USD vào các tuyến đường thủy liên bang.

Theo Hà Vũ / tapchigiaothong.vn

Exit mobile version