TBVĐ- Việc mang hàng giả vào châu Âu có thể mang lại nhiều rắc rối, do đó nên kiểm tra thật kĩ những đồ vật mang theo.
Chỉ riêng năm 2012, hải quan châu Âu đã tịch thu số hàng giả tổng trị giá 1 tỷ Euro, trong đó tại Đức là 127 triệu Euro. Việc mang hàng giả vào châu Âu có thể mang lại nhiều rắc rối, do đó nên kiểm tra thật kĩ những đồ vật mang theo. Những mặt hàng giả hay được mang theo nhiều nhất là điện thoại, kính mắt, quần áo, túi xách.
Không bị phạt khi dùng cho cá nhân : Nếu mua hàng giả với số lượng ít, chẳng hạn 1-2 chiếc áo thun, để dùng cho cá nhân sẽ không bị phạt. Nếu hải quan nghi ngờ và có bằng chứng về việc buôn bán, có thể bị phạt tiền, thậm chí phạt tù.
Bán hàng giả có thể bị phạt tù hoặc tiền : Có hai hình thức bán hàng. Nếu bán 1-2 mặt hàng cho bạn bè, anh chị em trong gia đình hay rao bán trên mạng Internet, có thể bị phạt tiền hay tù đến 3 năm, mức phạt phụ thuộc vào việc người đó có tiền án trước đây không.
Hình thức buôn hàng thứ hai bị phạt nặng hơn. Cụ thể, khi số lượng hàng giả mang theo nhiều, vượt quá nhu cầu của một người, chẳng hạn 30 chiếc kính mắt, và khi nguồn thu nhập chính và thường xuyên từ việc bán hàng giả. Khi đó có thể bị phạt đến 5 năm tù hay phạt tiền.
Ngoài số lượng, dấu hiệu của việc buôn hàng có thể là kích cỡ hàng hóa mang theo. Chẳng hạn, một người phụ nữ mặc size S lại mang toàn quần áo cỡ M có thể là một điểm đáng nghi ngờ. Tất nhiên, có thể lập luận mua quần áo tặng bố mẹ hay anh chị em, tức dùng cho mục đích cá nhân, nhưng diều này có thể khiến các nhân viên hải quan nghi ngờ và kiểm tra kĩ hơn.
Ngoài hàng giả, tuyệt đối không mang theo sừng tê giác, ngà voi, cao hổ hay những đồ vật liên quan đến động vật hoang dã, nếu không muốn gặp rắc rối với hải quan.
Bảo Ngọc