Site icon Thời báo Việt Đức

Con tôi nằng nặc đòi về Đức sau một năm học ở Việt Nam

Con trai chị Trang (góc bên phải ảnh) trong một dự án tìm hiểu về sói cùng các bạn cùng lớp.

Chị Trang cho biết con trai từng chốt cửa nhà vệ sinh, đòi mua vé sang Đức vì ở Việt Nam học nhiều quá, ít được vận động.

Dưới đây là chia sẻ của chị Lê Huyền Trang, từng làm nghiên cứu sinh tại Đức, về những điểm khác biệt khi con trai chị, sinh năm 2008, được trải nghiệm hai nền giáo dục ở Đức và Việt Nam. Con chị, từng khá vất vả khi trở về Hà Nội, hòa nhập với một chương trình học nhiều khác biệt sau khi học lớp một tại xứ người.

Con trai tôi đi nhà trẻ bên Đức từ lúc 3 tuổi và 6 tuổi bắt đầu vào học lớp 1. Do tôi đăng ký muộn trường học cho con nên hết chỗ. Con vào học trường tôn giáo Catholic, thờ chúa Saint Nicolas, ở Cologne.

Trước khi vào lớp 1, tất cả các bé ở Đức sẽ có một buổi kiểm tra tại thành phố, khoảng 20 phút, xem có đủ sức khỏe, trí tuệ và vận động để bắt đầu đi học tiểu học hay không. Vì cùng năm 2008, có bạn sinh cuối năm, non quá, sức khỏe yếu sẽ vẫn phải đi học nhà trẻ. Nếu các con đủ điều kiện họ sẽ cấp cho một tờ giấy, đem giấy đó nộp vào trường. Tôi ở ngoài thấy họ nói con nhẩy lò cò, đọc số, viết chữ, vẽ hình…

Vào năm học, các con sẽ học chính khóa ở trường từ 8 đến 11 giờ sáng với các môn chính là Toán, tiếng Đức, âm nhạc, tiếng Anh, thể thao. Còn buổi chiều các con chơi là chính. Chương trình học chiều do một bên khác trông, không nằm trong chương trình học của nhà trường. Việc này hoàn toàn do nguyện vọng của từng gia đình. Các con có thể học thủ công, học vẽ, học võ, bóng đá…

Buổi tối về nhà, các con hầu như không phải học hay làm bài gì thêm. Khi ấy, tôi muốn dạy con thêm tiếng Việt nên muốn con học một chút, nhưng thằng bé không thích và đến kể với cô giáo. Cô chủ nhiệm của con đã gọi điện cho tôi và nói rằng không nên cho con học quá 10 phút, con tôi học khá rồi nên về nhà không cần học thêm. Cô còn nói nên để các con nghỉ ngơi sau một ngày dài ở trường.

Tôi thấy nội dung học ở bên này cũng rất khác so với ở Việt Nam. Ví dụ như môn toán học, không cần phải trình bày lời giải, chỉ cần làm đúng kết quả. Các cô dạy theo chương trình tự soạn, bạn nào làm hết bài này, cô giáo sẽ đưa cấp độ cao hơn. Ví dụ như con tôi, cô giáo bảo đến cấp độ 4, trong khi nhiều bạn trong lớp chỉ làm đến cấp độ 1.

Học tiếng Đức, các con viết trên vở kiểu như A4. Tất cả đều phải dùng bút chì và đạt đến trình độ nhất định mới được dùng bút mực. Đầu tiên, học sinh phải viết cho giống chữ cô, trước khi nghĩ đến việc rèn chữ đẹp. Ở đây, các con được học viết theo từ chứ không phải học từng chữ cái.

Ngoài những bài học gọi là “lý thuyết”, các con được học làm phim, làm thơ, đọc truyện, làm dự án… Ví dụ như mỗi tuần một lần, cô giáo sẽ dẫn các con ra công viên, chia nhóm, xem sói, chụp ảnh và mô tả về sói… Những bài học trực quan khiến con thích thú và nhớ rất lâu.

Cuối năm cô giáo sẽ tổng kết chung kế hoạch học tập của cả lớp, tình hình giờ giấc đi học của các con… Còn mỗi phụ huynh sẽ đặt lịch hẹn riêng, tầm 15-20 phút một người để cô thông báo kết quả học của con. Không ai biết con ai học thế nào, các con cũng không quan tâm ai học giỏi, ai học dốt… Tôi nghĩ đây là điều rất hay ở bên này, tránh được tình trạng so sánh, xấu hổ giữa các con và ngay cả với các bậc cha mẹ…

Khi đưa con trở lại Việt Nam, tôi rất lo lắng vì sợ con sẽ khó hòa nhập với môi trường mới. Tôi xin cho con vào học lớp 2 tại một trường tư ở Hà Nội. Các cô đều khuyên nên cho con học lại lớp 1 vì con chưa biết đọc, biết viết… Nhưng tôi xin cô giáo cho con học đúng chương trình như các bạn cùng tuổi. Rất may cô hiểu và thông cảm nên cho cháu vào lớp.

Mấy tháng đầu, con ngồi học viết, làm toán riêng. Tôi cũng thuê giáo viên về dạy cháu 3 tháng. Thời gian đó, con rất chán nản, lúc nào cũng xin mẹ cho quay lại Đức học. Nhìn thấy con nắn nót viết từng chữ vào ô vuông rồi khóc ròng, tôi thương con vô hạn. May mắn là sau 3 tháng, cô giáo chủ nhiệm nói tôi không cần thuê người kèm riêng nữa, cô có thể giúp trên lớp. Khoảng nửa năm, con bắt kịp các bạn, riêng tiếng Anh tỏ ra vượt trội vì con từng học bên Đức, nói rất trôi chảy.

Khi học ở Việt Nam, con hay bực mình và nổi cáu. Con nói các bạn không tôn trọng sự riêng tư, mượn đồ không hỏi hoặc tự tiện lục cặp… Các cô hay nói to nên con sợ. Những điều này con chưa từng gặp phải ở Đức, vì bên đó lớp học có kỷ luật tốt, không ai đụng vào đồ của ai, thấy cô giáo cũng không bao giờ nói nặng lời với học sinh. Bạn nào vi phạm quy định sẽ bị cô cho ra ngồi ghế ngoài hành lang, và ngồi im ở đó.

Mấy tuần đầu chiều nào cũng học, con tôi còn vào nhà vệ sinh chốt cửa và đòi mua vé sang Đức. Con nói ở đây học nhiều, ít được chơi, vận động như bên kia… nên lúc nào cũng đòi sang lại. Phải mất hơn một năm, cháu mới không than “bài ca cũ”.

Tôi thấy tính cách con cũng thay đổi nhiều, con hay mách hơn, hay so sánh, bạn kia học dốt, nhà bạn kia giàu hơn…. Sau 2 năm học ở Việt Nam, con hoàn toàn giống các bạn ở đây.

Tôi vẫn muốn sau này con tôi có thể trở lại Đức để học tiếp. Nhưng tôi chỉ nói rằng, nếu con muốn sang Đức, con phải học thật giỏi, để tự sang được bằng sức của chính con.

Theo Huyền Trang / VnExpress.net

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết, việc các con thay đổi tính cách khi chuyển sang môi trường mới là điều bình thường. Cha mẹ cần theo dõi, nếu có bất thường phải can thiệp ngay, tránh trường hợp con buồn bã, tự kỷ… dẫn đến nhiều hậu quả xấu.

Theo chuyên gia tâm lý, các con có chính kiến cá nhân không đáng lo ngại. Chỉ có điều khi con so bì, bố mẹ cần nói rõ để con không hình thành những tư tưởng đó tiếp theo. Nếu con muốn quay lại môi trường con đã học ở nước ngoài, hãy tạo động lực cho con bằng những câu nói như: “Hãy cố gắng học giỏi để 12 năm sau tự mình quay trở lại đất nước đó”.

Exit mobile version