Tôi là con thứ tư trong một gia đình đông con, nghịch ngợm từ nhỏ. Mẹ tôi giáo dục con rất nghiêm khắc. Bà tìm đủ mọi cách để tôi bớt theo đám trẻ đường phố hái me trèo sấu, đánh nhau. Mỗi lần tôi có tội, mẹ đánh đòn, bắt nhịn cơm rồi dẫn lên chùa. Theo mẹ, những bức tranh ở chùa vẽ cảnh trừng phạt kẻ mắc tội bất hiếu ở âm phủ có thể giúp tôi tỉnh ngộ.
Nhưng tôi vẫn chứng nào tật ấy, càng lớn càng hay cãi khiến bà rất đau buồn. Trận đòn cuối cùng, năm 13 tuổi, mẹ vừa đánh tôi, vừa khóc.
Tôi còn nhớ, năm ấy tôi đau mắt đỏ. Xin tiền bố, ông nhăn nhó lục ví cho xem không có một xu rồi bảo ngâm mắt vào nước muối ấm. Tôi làm thế ngày thứ ba mắt vẫn nhức. Mẹ lẳng lặng lau mắt cho tôi rồi bỏ đi đâu chừng nửa giờ mang về cho hào rưỡi mua thuốc, khỏi ngay. Năm sau tôi giẫm phải đinh ghim giấy vẽ của bố, chân sưng đỏ au phải xuống Bệnh viện Mai Hương tiêm. Tiền thuốc hết hai ngàn. Về nói chuyện, mẹ lại ra khỏi nhà rồi mang về cho tôi 2 ngàn 3 hào. Tôi hiểu, mẹ lại đi vay tiền ai đó.
Rồi Mỹ đánh bom miền Bắc, tôi tốt nghiệp cấp III thì lên đường nhập ngũ. Trước ngày đi mình tôi được mẹ nấu cho một bát to đầy cà bung đậu với thịt lợn ba chỉ; tối lại được ăn chè bí ngô. Sớm sau lên đường, mẹ vẫn ngồi bên cửa sổ mở toang, không đi tiễn. “Sao mẹ không tiễn mình?”, tôi ấm ức mãi.
Chiến tranh ác liệt, chúng tôi quần nhau với các loại máy bay. Một ngày trên Hòa Lạc vừa ngưng trận đánh, tôi nhận được gói quà mẹ gửi. Một hộp bánh mậu dịch có hình răng cưa rất thơm, hai bọc thuốc Trường Sơn không bao và một thư ngắn chữ mẹ tôi nắn nót. Thư có đoạn viết: “Ngày con đi mợ không dám tiễn vì mợ sợ mợ khóc. Mợ cứ nhìn qua cửa sổ theo bóng con mãi. Chỉ mong con bằng anh, bằng em”. Tôi đọc xong, nắm chặt thư, ghì vào ngực, quay mặt vào vách hầm ứa nước mắt vì thương mẹ.
Hai năm đi chiến đấu vì có thành tích tôi được thưởng phép hai ngày về thăm mẹ. Đẩy cửa vào, tôi thấy bà nằm trên cái ghế ngựa tóc đổ dài như suối, trắng xóa. Bà ngồi bên tôi quạt, thắp đèn dầu, thức trắng đêm khâu lại cái áo lỗ chỗ vết bom bi. Sớm ra bà còn kỳ lưng cho tôi tắm ngoài sân. Mẹ thốt lên: “Trời ơi, lưng con tôi xưa như tấm phản mà giờ gầy thế”. Tôi cười như nắc nẻ: “Mẹ thương con cứ tưởng tượng, con vào bộ đội giờ lên 10 cân đấy”. Không ngờ đấy là lần cuối cùng tôi được gặp mẹ.
Rồi tôi đi B, mỗi lần C130 thả pháo dù tôi đứng trên mặt hầm nhìn xác định vị trí dù rơi, kiếm bằng được một cái rồi gửi về cho mẹ may áo. Biền biệt nhiều năm đến 1972 thì nhận được thư chị báo tin mẹ tôi mất. Thư chị kể, bà gầy lắm, chết trong phòng tắm. Tôi khóc ba đêm rồi nín, đeo khăn tang đi đánh trận ở Ban Mê Thuột.
Năm 1975 tôi về phép đúng ngày bốc mộ mẹ. Bên đống xương tàn, chị tôi kể rằng sau ngày mẹ mất, bao nhiêu người tới đòi nợ. Người một hai hào, kẻ năm đồng, người hai ba cân gạo, nửa cân đường. Chúng tôi đều hiểu, mẹ nhịn ăn cho chồng con, thịt tem phiếu dành băm trộn với mắm hay muối gửi cho các con và chồng nơi sơ tán. Tiền thì dành cho đứa út ăn học. Bao nhiêu năm tôi vẫn ân hận về việc này, số tiền nợ ấy có cả tiền lo cho tôi ăn học, thuốc thang. Tôi gửi về nhà cái dù, một cái chăn màu huyết dụ, mẹ đều không dùng, bọc cẩn thận và dặn để dù ấy thằng Thọ bao giờ về, căng lên làm rạp cưới vợ, chăn cho vợ chồng nó đắp.
Từ chiến trường trở về dạo ấy tôi rất gần gũi bố tôi. Gần như toàn bộ tình yêu cho cha mẹ đều trút cả vào ông. Tận tới khi ông mất, tôi vẫn kịp nói lần cuối: “Con yêu cậu lắm, cậu biết không?”. Bố tôi không nói được nữa, ông mỉm cười lắc lắc mái đầu bạc rồi vĩnh viễn ra đi. Mẹ tôi chưa khi nào được nghe câu nói ấy từ tôi. Đó là điều tôi vô cùng ân hận, nhất là từ khi tôi làm cha, được nghe lời từ hai con gái ba từ: “Con yêu bố”. Ngay cả bây giờ khi con gái lớn đã 36 tuổi, tôi gần 70, mỗi khi cháu nói: “Con yêu bố lắm”, người tôi vẫn run lên.
Tình yêu thương, kính trọng cha mẹ đành rằng nên là những việc làm cụ thể, thực tế, nhưng hầu như tất cả các bậc cha mẹ đều không mong chờ nhiều ở sự giúp đỡ tiền bạc và vật chất. Cha mẹ rất quý trọng tình cảm của con cái, cháu chắt, sự chăm sóc cả với tinh thần – đấy là sự luôn gần gũi, vấn an thăm hỏi và đặc biệt rất thích nghe ba từ: “Con yêu mẹ”.
Tôi biết rằng, rất nhiều người Việt Nam hiếu thảo, yêu kính mẹ cha nhưng không dám thổ lộ tình cảm yêu thương với cha mẹ bằng ba từ đơn giản đó. Lễ Vu Lan đã đến rồi, ngoài việc có quà cho cha mẹ tùy theo hoàn cảnh của mình, tôi nghĩ các bạn hãy tới thăm họ, nói một lời với ba từ âu yếm trên. Tôi tin là mẹ bạn sẽ mỉm cười hạnh phúc.
Làm cho bậc sinh thành mang nặng đẻ đau vui, dầu chỉ một chút thôi cũng là việc đáng làm, đừng như tôi để lỡ những thời cơ khi cha mẹ còn sống mà ân hận cả đời.
Theo Nguyễn Văn Thọ / VnExpress.net