Trong 3 tháng trước cuộc bầu cử, ứng cử viên hoặc đảng của ứng cử viên đó có thể yêu cầu một thẩm phán ra lệnh ngăn chặn sự lây lan của các tin tức giả mạo. Dự luật cũng khuyến khích các mạng xã hội và nền tảng trực tuyến, như YouTube và Facebook, minh bạch hơn trong các chiến dịch quảng cáo trả tiền.
Trong bối cảnh tin giả gây xáo trộn các cuộc bầu cử tại nhiều quốc gia dân chủ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn dùng luật pháp buộc các mạng xã hội phải hành động nhằm minh bạch hóa và góp phần loại bỏ các nội dung thất thiệt. Một trong những biện pháp được đưa ra là công khai tên tuổi, nguồn gốc của kẻ loan tin để truy tố.
Tuy vậy, việc thực hiện tham vọng ban hành luật để chống tin giả trong lĩnh vực truyền thông phức tạp và biến đổi nhanh chóng nhờ công nghệ số sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Theo tờ Le Monde của Pháp, nếu chính phủ muốn đóng góp thì nên bắt đầu bằng cách giáo dục ở học đường, bảo vệ mô hình kinh tế của các tờ nhật báo, cụ thể là chỉ cần cải tiến các đạo luật hiện hành là ít rủi ro nhất. Tờ Libération cũng cho rằng không cần phải ban hành luật mới, mà chỉ cần áp dụng luật bảo vệ tự do báo chí được ban hành từ năm 1881, trong đó quy định tiền phạt cho việc tuyên truyền, tung tin đồn thất thiệt lên đến 45.000 EUR và 1 năm tù giam. Một biện pháp nữa được đưa ra là tăng cường thẩm quyền của Cơ quan Phát thanh truyền hình (CSA). Điều 6 của dự luật cho phép CSA có thể đơn phương chấm dứt hoạt động của một pháp nhân bị một nước khác chi phối, giật dây, nếu pháp nhân đó bị phát hiện là gây tổn hại tới lợi ích quốc gia của Pháp.
Từng là nạn nhân của tin giả trong quá trình tranh cử, Tổng thống Macron cho rằng như thế là chưa đủ. Ông Macron khẳng định Pháp sẽ phát triển hệ thống luật pháp của mình để bảo vệ cuộc sống dân chủ trước những thông tin sai lệch. Tổng thống Pháp nhấn mạnh các mạng xã hội sẽ phải có nghĩa vụ nâng cao tính minh bạch của tất cả các nội dung được tài trợ nhằm công khai danh tính của các nhà quảng cáo và của cả những người kiểm soát cũng như để giới hạn số tiền tài trợ.