Site icon Thời báo Việt Đức

Đằng sau những cuộc “xâm lăng kinh tế” của Trung Quốc vào châu Âu

Đồ họa: Trung Hiếu

Các nhà đầu tư Trung Quốc đang tiếp tục công cuộc “xâm chiếm” thị trường châu Âu, gia tăng ảnh hưởng tài chính và chính trị của nước này tại khu vực. Theo các chuyên gia kinh tế, đằng sau cuộc “xâm lăng kinh tế” này còn có nhiều ý đồ khác…

Nạn ăn cắp công nghệ, gián điệp kinh tế

Năm ngoái, châu Âu đã đánh bại thị trường Mỹ và trở thành điểm đến đầu tư lớn nhất ở nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc. Ông Dmitry Tratas, một chuyên gia tài chính và phân tích thị trường chứng khoán, đã chỉ ra một trong những lý do chính dẫn tới sự thay đổi trên là do chính sách kinh tế của Washington đối với Bắc Kinh.

Theo ông, Chính phủ Mỹ, đặc biệt là chính quyền Tổng thống Donald Trump và các chế định pháp lý của nước này đang gây ra ngày càng nhiều trở ngại đối với các nhà đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

“Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từ lâu vốn đã rất căng thẳng. Họ tuy là đối tác, nhưng trên thực tế Washington từng nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh cạnh tranh không lành mạnh, hay áp dụng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch”, chuyên gia nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đã ký văn bản yêu cầu điều tra các hoạt động ăn cắp công nghệ, gián điệp kinh doanh của Trung Quốc.

Trung Quốc vốn được nhiều nước xem là cái nôi của hàng nhái. Bởi dường như không có bất kỳ sản phẩm nào họ không làm lại được, từ đồ ăn nhanh, quần áo, đồ chơi tới máy bay, tên lửa.

Năm 2013, một nhóm cựu quan chức cấp cao Mỹ đã tiến hành một cuộc điều tra về vấn nạn ăn cắp bản quyền và vi phạm sở hữu trí tuệ. Theo đó, 50-80% các vụ vi phạm tại Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, gián điệp kinh tế Trung Quốc nhằm vào Mỹ cũng tăng mạnh trong nhiều năm qua, đại đa số thủ phạm có quan hệ với Chính phủ nước này. Những công ty là nạn nhân lớn nhất phải kể tới tập đoàn quân sự Lockheed Martin, công ty hóa chất Dupont hay công ty sơn Valspar.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã nhiều lần vào cuộc điều tra vấn nạn này. Kết quả cho thấy, Trung Quốc là thủ phạm của 95% số vụ gián điệp kinh tế ở Mỹ.

Thủ đoạn của gián điệp kinh tế thường là dụ dỗ nhân viên các công ty Mỹ lấy dữ liệu quan trọng từ mạng máy tính. Bên cạnh đó, họ còn sử dụng thủ thuật xâm nhập máy tính, để chiếm đoạt tài sản trí tuệ, hay bí mật thương mại.

Năm 2014, FBI từng phát hành đoạn video trên YouTube để cảnh báo những thủ đoạn cài cắm gián điệp của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ.

Thậm chí, Trung Quốc còn tuyển mộ các du học sinh Mỹ ở Trung Quốc làm gián điệp hoạt động thường xuyên ở Mỹ. Những du học sinh này thi vào các cơ quan ngoại giao, kinh tế, công nghiệp quốc phòng… của Mỹ với ý đồ làm gián điệp nằm vùng.

Những hoạt động như trên gây thiệt hại cho Mỹ tới vài trăm tỷ USD mỗi năm.

Mục đích sau việc đổ “hàng tấn” tiền vào châu Âu

Các công ty Trung Quốc hiện đang sở hữu “hàng tấn” tiền để đầu tư ra nước ngoài. Theo chuyên gia tài chính Tratas, kế hoạch ngầm của Bắc Kinh là “mở rộng tới tất cả các thị trường nơi có các công ty và tài sản có thể mua lại được”.

Bình luận sâu hơn về sự tập trung đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc vào châu Âu, ông Tratas giải thích, nền kinh tế tại các quốc gia phương Tây có xu hướng tự do và cởi mở hơn trong chính sách đầu tư nước ngoài so với Mỹ.“Theo tôi, kiểm soát đầu tư nước ngoài ở châu Âu không khắt khe như những gì Chính phủ Mỹ đang thực hiện. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc không phải không cảm thấy áp lực với thị trường châu Âu. Nhưng sự áp lực này chỉ nằm trong cách tiếp cận của hàng hóa Trung Quốc với thị trường châu Âu, chứ không phải điều kiện đối với các hợp đồng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A)”, ông Tratas nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo chuyên gia Zhang Ning từ trung tâm Kinh tế và Tài chính, viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một phần Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài là bởi sự mất giá của đồng Nhân dân tệ trong vài năm trở lại đây.

“Kể từ ngày 11/8/2015, tỷ giá đồng Nhân dân tệ bắt đầu tụt giảm, kết quả là nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quyết định tập trung vào các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Hơn nữa, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng ở nội địa Trung Quốc đã bị hạn chế nên nhiều công ty tìm cách sở hữu các tài sản nước ngoài. Đây cũng là một phần trong những nỗ lực của giới kinh doanh Trung Quốc trong việc toàn cầu hóa sự phát triển cũng như nâng tầm tài sản của họ lên đẳng cấp quốc tế”, ông Zhang nói.

Theo một nghiên cứu bởi viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS), đầu tư trực tiếp nước ngoài của Bắc Kinh vào châu Âu năm 2016 đạt 36 tỷ Euro, tăng 77% so với năm 2015.

Quốc gia điểm đến lớn nhất của nguồn tiền khổng lồ từ Trung Quốc chính là Vương quốc Anh, Đức, Pháp, chiếm 59% tổng số vốn đầu tư năm ngoái vào châu Âu.

Những ngành công nghiệp mà Bắc Kinh đầu tư ở châu lục này tập trung vào giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, máy móc công nghiệp, năng lượng và hàng tiêu dùng.

Năm 2016, những ngành nêu trên chứng kiến mức tăng trưởng đạt 100 đến 150% trong đầu tư của Trung Quốc so với giai đoạn năm 2013-2015.

Đối với ba “ông lớn” của kinh tế châu Âu, Trung Quốc không chỉ muốn đầu tư vào các nền kinh tế phát triển mà còn muốn nhằm vào những quốc gia có vai trò đầu tàu chính trị. Trung Quốc tập trung vào thị trường Bắc Âu, khu vực kinh tế ổn định và có ảnh hưởng quyết định chính trị tới toàn châu Âu.

Tuy nhiên, họ cũng không lơ là Nam Âu, dù vùng này luôn tồn tại nhiều rủi ro kinh tế. Tại đây, Bắc Kinh muốn tăng cường vị thế chính trị của mình.

Theo ông Vladislav Belov, chuyên gia về Đức kiêm Giám đốc viện Nghiên cứu châu Âu tại đại học Khoa học Nga, việc Trung Quốc “bùng nổ” đầu tư vào thị trường châu Âu năm 2016 không phải vô tình.

“Đó là kế hoạch lâu dài mà Trung Quốc đã theo đuổi và năm qua chúng ta chứng kiến sự đỉnh điểm các hoạt động đầu tư của nước này. Năm ngoái là bước thực hiện mà doanh nghiệp Trung Quốc đã chuẩn bị trước đó. Đó chính là lý do vì sao các chuyên gia nhận định rằng năm nay hoạt động này có thể sẽ giảm bớt”, Belov nói.

Theo Danh Tuyên / nguoiduatin.vn

 

 

Exit mobile version