TBVĐ- Xa quê người ta thường mang theo nếp sống văn hoá của mình và người Việt cũng không khác biệt.
Đạo Phật với người Việt không chỉ là tín ngưỡng bình thường mà còn là văn hóa, là bến tâm linh cho người ta neo đậu, nên không khó hiểu để thấy rằng cùng với việc an cư, văn hoá và tín ngưỡng của người Việt cũng ngày càng được phát triển trên quê hương thứ hai của họ. Đạo Phật ở châu Âu và nước Đức có một chiều dài lịch sử rất lâu nhưng đã khó tồn tại vì nhiều lý do. Nhưng từ thế kỉ mười tám, đạo Phật được khôi phục và phát triển dần nhờ một số các nhà truyền giáo trí thức mang lại.
Đặc biệt là ngày càng nhiều cư dân châu Á đến châu Âu sinh sống, họ đã từng bước mang theo nền văn hoá cũng như tín ngưỡng của mình dặm sâu vào đời sống tôn giáo bản địa. Mặc dù trên lý thuyết châu Âu không coi đạo Phật là một tôn giáo.
Trở lại với người Việt Nam, ở Tây âu cụ thể là Pháp, đạo tràng Mai Thôn tức Làng Mai do sư ông, thiền sư Thích Nhất Hạnh lập ra. Thiền sư là người có uy tín vượt bậc nên chẳng bao lâu nơi đây đã phát triển trở thành một tu viện lớn cho phật tử đến tu học. Làng Mai là một trung tâm thiền tập tọa lạc tại miền Tây Nam nước Pháp, được hình thành vào đầu năm 1982. Làng Mai tiếng Pháp là Village des pruniers, tiếng Anh là Plum Tree Village, gọi tắt là Plum Village. Tên chữ của Làng Mai là Đạo Tràng Mai Thôn. Ngày nay Làng Mai còn có nhiều trung tâm khác tại Việt Nam, Mỹ, Đức, như: Tu viện Lộc Uyển, tu viện Bích Nham, tu viện Rừng Phong, trung tâm tu tập Thanh Sơn, tu viện Bát Nhã, tu viện Từ Hiếu, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu tại Đức, chùa Đại bi.
Ở Đức có chùa Viên Giác là ngôi chùa đầu tiên của người Việt Nam xây dựng, nhưng càng về sau nước nào có người Việt sinh sống tập trung đều có chùa để làm nơi sinh hoạt phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng. Nhưng phát triển nhanh chóng nhất ở phần đông Âu và nước Đức nói riêng phải kể đến thời gian hơn mười năm trở lại đây.
Trên nước Đức hiện giờ, hầu như các thành phố lớn đều có chùa và Niệm Phật đường ngoài ra còn có các Tu viện và Thiền viện phục vụ cho việc tu học của người Việt cũng như các phật tử người nước ngoài.
Xin nói thêm nhận thức về đạo Phật của người Việt. Không phải ai cũng có thời gian tìm hiểu sâu về đạo. Đạo Phật chia làm mấy tông phái? Sự khác biệt thế nào giữa Nam tông và Bắc tông. Tịnh độ tông, mật tông và thiền tông? Các tông phái ấy khác biệt nhau thế nào, rất nhiều người đến chùa nhưng không hiểu. Phần lớn họ tôn thờ Phật.
Không kể Phật nào, cứ Phật là tôn kính. Vì đạo pháp từ bi hỷ xả và hơn hết là tâm linh hướng về Phật thế thôi. Vì vậy Phật tử tuy nhiều nhưng hiểu về Phật Pháp lại không sâu. Họ chủ yếu cầu mong Phật gia hộ độ trì cho mọi chuyện. Nhà có chuyện tang gia thì nhờ các sư về làm lễ cầu siêu cho linh hồn người quá cố được siêu sinh tịnh độ. Người sống thì thân tâm an lạc, khỏe mạnh, làm ăn suôn sẻ.
Nhưng từ hơn mười năm nay, sự phát triển nhanh chóng của đạo Phật như thế không thể không nói đến công lao của các vị Thượng tọa, đại đức trong ngoài nước đã mang ánh sáng Phật pháp đến với bà con, ngoài tư vấn, làm giáo thọ và đi hoằng pháp. Các tăng ni đã mang đến cho bà con Phật tử và những người yêu kính Phật hiểu sâu hơn về giáo lý, từng bước giáo hoá chúng sinh. Để họ hiểu sâu hơn về đạo Phật. Tự mình phải đi, phải hành để đi đến con đường an lạc.
Hàng năm Phật giáo có rất nhiều ngày lễ. Nhưng Phật tử chủ yếu đến chùa nhiều nhất vào lễ Phật Đản, lễ Vu Lan và lễ Thượng Nguyên. Cùng với sinh hoạt tín ngưỡng thì tâm linh và thậm chí như mê tín cũng là một vấn đề mà nhiều khi các Sư, Ni rất khó xử lý. Ngoài cầu an và cầu siêu cho người mất thì có nên trừ tà cho bà con không? Có nên bắt ma không? Có nên cúng sao giải hạn không? Có nên đuổi vong hay nhốt vong khi bị trùng tang không? Hay đơn giản như cắt duyên âm, điều mà rất nhiều người tin tưởng nó là sự thật.
Tất cả những điều này đều trái với giáo lý của Phật pháp nhưng đây lại là nhu cầu thiết yếu của bà con. Và họ đến chùa để gửi gắm suy tư của mình vào đó. Nếu khuyên can thì không được vì họ có chính kiến và nhu cầu. Vì lẽ đó, họ mới theo đạo Phật, mới đến chùa, nếu làm theo Pháp thì Phật tử chuyên tâm còn lại mà thôi. Vì vậy nhiều lúc nhà chùa cũng phải tuỳ duyên mà hành xử.
Và đấy chính là bến tâm linh mà người ta tìm đến nương nhờ lúc cần thiết, giúp họ giải tỏa vấn đề tâm lý mà họ lo âu. Nhà Chùa quay lưng thì vừa làm mất lòng chúng sinh và ngoài ra cũng phải kể đến nguồn tài chính tịnh tài, tịnh vật để duy trì mọi sinh hoạt của nhà chùa. Thật khó biết bao, đành coi như đó là phương tiện để thêm nhiều người tìm đến đạo rồi từng bước giáo hoá chúng sinh.
Ngoài những nhu cầu trên thì bà con Phật tử cũng coi chùa như ngôi nhà thứ hai của mình. Nơi đây còn là sinh hoạt văn hoá, tụ họp chuyện trò, nghe sư thầy giảng pháp hay đơn giản khi ngày rằm mồng một. Phật tử vân tập, tụng kinh cầu gia bị hay tết đến xuân về, cùng nhà chùa sum họp ấm áp bên bếp lửa hồng canh nồi bánh chưng xanh, xa quê mà như vẫn ở quê nhà. Tâm tư ấy có tiền cũng đâu mua được.
Bỏ qua những bất đồng chính kiến về chính trị giữa giáo hội trong và ngoài nước hay khác biệt về tôn giáo. Phật giáo ở Đức và châu Âu thực sự đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh rất lớn của hàng triệu người Việt xa quê. Cha ông xưa đã đúc kết” Trẻ chơi nhà, già chơi Chùa”. Giá trị to lớn của đạo Phật ở châu Âu và Đức chính là đây. Như ngôi nhà lớn đón vạn người con xa quê vào lòng với tình cảm gắn bó và ấm áp tình người, tình quê hương.
Mai Anh