Nhiều khi thấy cha mẹ phải lo cho người thân ở Việt Nam quá nhiều, con em không hoàn toàn đồng tình, thậm chí còn có những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng đây chính là lòng hiếu thảo của cha mẹ chúng ta đối với người thân ở quê hương, nếu không giải thích khéo léo thì con trẻ sẽ không hiểu được vấn đề.
Theo truyền thống Việt Nam, lòng hiếu thảo và biết ơn được coi là một giá trị cao quý nhất. Tuy nhiên, không thể không lo lắng khi con em chúng ta sống tại Đức và chịu ảnh hưởng lớn từ nền văn hóa thực dụng ở đây. Tôi biết nhiều gia đình Việt ở Đức đã cắt đứt quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Có nhiều lý do, nhưng tổng quát là cha mẹ và con cái không thấu hiểu lẫn nhau, phụ huynh theo suy nghĩ cũ, con cái quá tự do và không được dạy dỗ lòng hiếu thảo đúng cách.
Dù người Đức rất tốt và văn minh, nhưng mọi thứ đều có hai mặt. Sự rạch ròi về tiền bạc có mặt tích cực nhưng cũng mang lại nhiều hậu quả tiêu cực, bởi tình cảm cũng có thể được gắn kết thêm thông qua vật chất. Tất nhiên, không ai có thể kết luận rằng vấn đề này hoàn toàn ảnh hưởng đến lòng biết ơn, nhưng đây là một vấn đề không hề đơn giản. Người Đức cũng có lòng hiếu thảo với cha mẹ, nhưng họ dường như coi nhẹ chữ hiếu hơn vì không được dạy về nghĩa vụ phải chăm sóc và nuôi nấng cha mẹ khi già yếu. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, điều kiện chăm sóc của viện dưỡng lão ngày càng hiện đại và phát triển. Do đó, khi cha mẹ họ già yếu, họ sẽ đưa các cụ vào viện dưỡng lão và chỉ thăm nom là chính. Trong viện, có cụ thích ở đó, nhưng đa số chỉ chấp nhận thực tế.
Đối với người Việt Nam, lòng hiếu thảo là nét đẹp truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Tuy nhiên, ngày nay cuộc sống của bà con chúng ta ở Đức rất bận rộn, ngôn ngữ khác biệt nên đôi khi cha mẹ và con cái không thể hiểu nhau. Văn hóa khác biệt khiến cho nhiều lúc con em không thể nắm bắt được truyền thống tốt đẹp này. Thực tế, nhiều khi thấy cha mẹ phải lo cho người thân ở Việt Nam quá nhiều, con em không hoàn toàn đồng tình, thậm chí còn có những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng đây chính là lòng hiếu thảo của cha mẹ chúng ta đối với người thân ở quê hương, nếu không giải thích khéo léo thì con trẻ sẽ không hiểu được vấn đề.
Do đó, cha mẹ cần dạy con hiểu và biết cách thể hiện lòng biết ơn ngay từ khi còn nhỏ, để con biết quý trọng tình cảm, sống có đạo đức và trách nhiệm. Việc dạy con lòng biết ơn thông qua nhiều hình thức cụ thể từ khi còn bé sẽ trở thành thói quen tốt, giống như cây tre cần được uốn nắn từ khi còn non. Nhờ thói quen và nhận thức đó, trẻ sẽ hình thành tư duy và phẩm chất tốt trong cuộc sống. Đặc biệt hơn, bài học này còn giúp trẻ biết quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh, thông cảm cho họ và đóng vai trò là nền tảng cho những kỹ năng sống quan trọng khác.
Thiên Nhẫn