Site icon Thời báo Việt Đức

Dạy và học tiếng Việt ở CHLB Đức

Ảnh minh họa: H.Nguyên

Ngôn ngữ là phương tiện giúp người ta thể hiện ước muốn, thể hiện suy nghĩ, hiểu người khác muốn gì. Sẽ rất thiệt thòi, nếu một người gặp khó khăn khi trình bày quan điểm của mình, đặc biệt trong thời đại „Toàn cầu hóa“ ngày nay. Càng biết được nhiều ngôn ngữ, con người càng hiểu thế giới hơn và xác định hướng đi đúng hơn. Chính vì thế việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam sinh ra ở Đức là việc có tầm quan trọng không cần bàn cãi.

Thông thạo một ngôn ngữ người ta phải giàu vốn từ, viết và nói đúng ngữ pháp, chọn văn phong phù hợp. Ngoài ra người ta còn phải thể hiện qua ngữ điệu, lúc dịu giọng lúc nhấn mạnh, thể hiện qua nét mặt (Mimik), qua điệu bộ (Gestik) khi trình bày, ví dụ nhún vai, khoát tay. Trong những yếu tố kể trên, một phần học được, một phần do bản năng trời cho.

Đối với các cháu Việt Nam sinh ra ở Đức, đang đi học trường Đức thì tiếng Đức là „tiếng mẹ đẻ“ và tiếng Việt là „ngoại ngữ“, học nó trên tinh thần tự giác. Có hai cách học: vô thức và hữu thức.

Thế nào là cách học vô thức, thế nào là hữu thức?

Một em bé mới từ Việt Nam sang chưa biết tiếng Đức, chạy đến chỗ các bạn Đức đang chơi và nhập cuộc thì em sẽ học được rất nhanh những gì liên quan đến trò chơi em tham gia, khả năng đoán các bạn nói gì cũng nhanh và chính xác, vì em đang thích việc này. Đó là cách học vô thức, rất hiệu quả.

Người lớn vừa không có nhiều thời gian, vừa không thể học theo kiểu trên, nên phải học „hữu thức“. Tức là thầy giáo dạy từ mới, phát âm, học ngữ pháp, đặt câu, tập dịch, tra từ điển… Như thế dễ mệt mỏi, có khi không gây hào hứng. Chính vì thế, thầy cô giáo tiếng Việt nên cố gắng hướng các em học tiếng Việt đến với cách học vô thức (đố vui, đóng kịch).

Điều quan trọng là cô giáo phải hiểu được tâm lý học sinh ở từng lứa tuổi , trước hết hãy dạy những gì bọn trẻ cho là cần thiết, chứ không phải người lớn cho là cần thiết. Đó là những gì chúng nhìn thấy hàng ngày như gia đình, trường lớp, đường phố, vệ sinh, thời gian rảnh, phim ảnh thiếu nhi, môi trường, cỏ cây, chim thú.Những đề tài này chúng đang được học trong trường, chỉ khác là bây giờ dạy bằng tiếng Việt.

Những câu chuyện trong bài giảng ở nhà trường Đức rất thực tế, rất gần với đời thường, nên được các em đón nhận dễ dàng. Tôi nghĩ rằng, không nhất thiết phải cần một bộ tài liệu giáo khoa thống nhất, mà thầy cô giáo phải hiểu nguyện vọng của học sinh mình và có thể tự soạn. Các em có thể đóng một vở kịch (ví dụ lễ hội Halloween), hay diễn thuyết về một đề tài tự chọn (con sóc sống như thế nào?) bằng tiếng Việt.

Nhiều phụ huynh hay nôn nóng, muốn con hiểu được truyền thống Việt Nam, tục ngữ Việt Nam. Nguyện vọng của các bạn rất chính đáng, nhưng vội quá không được, dễ làm các cháu nản, vì còn xa lạ với chúng.

Nếu các bạn mới đi học tiếng Đức mà người ta chỉ dạy các bạn về phương thức tổ chức xã hội ở Đức hay tranh cãi giữa các đảng, chắc bạn cũng không ngồi được lâu. Còn nếu người ta dạy bạn cách viết thư cho cô giáo để xin phép cho con nghỉ học, nhờ người hàng xóm mở cửa khi thợ điện đến kiểm tra… sẽ thiết thực hơn, bạn thích học hơn.

Nếu con bạn học tiếng Việt được một thời gian không quá ngắn mà vẫn chưa nói thông viết thạo thì bạn cũng nên bình tĩnh và nghĩ: Mình ở nước Đức này đã bằng ấy năm mà đã biết được bao nhiêu đâu!

Có những người đặt câu hỏi: „Con tôi sinh ra ở Đức, đi nhà trẻ Đức, nói tiếng Đức như trẻ em Đức mà sao điểm tiếng Đức của cháu vẫn kém?“. Theo tôi, vốn từ của các cháu như một thùng đồ nghề của người thợ, nhưng chưa biết sử dụng nó thế nào cho hợp lý.

Các cháu người Đức được bố mẹ dạy từ cái nhỏ nhất, dạy hàng ngày nên các cháu học được rất nhiều, hiểu được cuộc sống khá sớm. Một lần đi mua hàng ở siêu thị Kaufland , tôi thấy một người mẹ trẻ cầm bó cà rốt nói với đứa bé khoảng hơn một tuổi: Möh – ren, Möh – ren và đứa bé nhắc lại. Ra đường thấy một cụ bà đẩy cái xe cho cụ ông đi dạo, người lớn lại giải thích cho trẻ em vì sao lại có hiện tượng này. Thấy một tai nạn xe trên đường, bố giải thích cho cậu con trai phải gọi điện ngay cho công an và cho họ biết: Điều gì xảy ra, bao giờ, ở đâu, những ai liên quan, có người bị thương không, thật ngắn gọn và đủ ý. Những việc như thế ít gia đình Việt Nam làm được, nên các cháu cũng bị thiệt thòi hơn.

Vai trò của bố mẹ trong việc dạy tiếng Việt rất quan trọng. Phụ huynh cần xem con mình học gì, dựa vào đó để luyện tập với trẻ. Đó cũng chính là động lực cho bố mẹ học thêm để „khi con hỏi còn biết đường mà trả lời“. Khi thấy bố mẹ biết được một số vấn đề, đứa con sẽ vui hẳn lên và dễ kể cho bố mẹ nghe những câu chuyện về đề tài trường lớp, tuổi trẻ. Những phụ huynh ấy đã tạo được cơ hội tốt để „làm bạn“ với con, để nghe con tâm sự và qua đó biết được sự phát triển của nó.

Việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài là một đề tài rất hấp dẫn nhưng không hề đơn giản, đòi hỏi những cố gắng rất lớn của các cháu, của phụ huynh, của thầy cô giáo, của các hội đoàn. Các bạn hãy viết về con mình, các cháu nói câu gì hay, câu gì ngây ngô để trao đổi qua mạng. Đó là một sinh hoạt thật ý nghĩa trong thời đại Internet ngày nay.

 Nguyễn Thế Tuyền

Exit mobile version