Site icon Thời báo Việt Đức

Denis Mukwege – Bác sỹ vĩ đại

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Bệnh viện Panzi – nơi phụ nữ lấp kín các giường bệnh – bỗng tràn ngập tiếng cười và những tràng vỗ tay không ngừng ngày biết tin giải Nobel Hòa bình được trao cho bác sĩ Denis Mukwege.

Họ vui mừng ngồi dậy nhảy múa khắp bệnh viện. Rất nhiều người trong số những phụ nữ này đang trong quá trình hồi sức sau chấn thương vì bạo lực tình dục. Một cô gái 30 tuổi, vẫn còn băng huyết sau khi bị cưỡng hiếp trong một khu rừng chia sẻ, dù cảm thấy cơ thể còn khá yếu, “Nhưng khi được tin Papa Mukwege được trao giải, tôi hết sức hạnh phúc và nhất quyết phải ra khỏi giường bệnh để nhảy múa. Ông ấy thực sự xứng đáng vì đã hết lòng giúp đỡ chúng tôi.”

Chủ nhân thứ hai của giải thưởng danh giá này là Nadia Murad, một người con của dân tộc thiểu số Yazidi ở Iraq. Cô từng là nô lệ tình dục của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng (IS). Với mong muốn là cô gái cuối cùng phải trải qua câu chuyện đau thương dường này, Nadia đã viết cuốn sách “The Last Girl” (Cô gái cuối cùng). Việc giải Nobel thuộc về hai nhà hoạt động can đảm này cho thấy thế giới đang dần thay đổi nhận thức. Trong suốt nhiều thế kỷ, nạn hiếp dâm trong chiến tranh được cho là hiển nhiên và không thể tránh khỏi. Cho đến những năm gần đây, vấn đề này mới có những chuyển biến đáng kể qua nhiều nỗ lực ngăn chặn.

Từ năm 1999, khi bệnh viện của bác sĩ Mukwege được thành lập trên một đồi cỏ ở Bukavu – quê nhà ông tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi này đã kịp thời cứu chữa trên 40,000 nạn nhân sống sót sau bạo lực tình dục. Hầu hết các thủ phạm đều thoát án phạt. Dù ảnh chân dung ông được nhân viên treo khắp văn phòng, Mukwege lại là một người đàn ông khiêm tốn. Là một bác sĩ sản phụ khoa được đào tạo tại Burundi và Pháp, ông tin rằng giải thưởng mình vừa nhận sẽ khiến chính phủ Congo khó lòng tuyên bố nước này vẫn đang trong thời bình. “Bạo lực tình dục được sử dụng một cách có hệ thống và phương pháp cụ thể,” ông cho biết. “Những người phụ nữ là nạn nhân thường mặc cảm và chọn cách giữ im lặng.”

Số lượng phụ nữ, trẻ em, thậm chí trẻ sơ sinh bị thương tổn vì bị xâm hại không đếm xuể khiến vị bác sĩ này gần như tuyệt vọng. Ông nhớ lại cảm giác giận dữ và bất lực của mình khi một bé gái 18 tháng tuổi phải nhập viện với bộ phận sinh dục hư hại nặng vì bị cưỡng hiếp. Chữa trị cho bé gái xong xuôi, ông mời 50 người đàn ông đến văn phòng, cầu xin họ đến ngôi làng để tìm ra thủ phạm. Những kẻ hiếp dâm là phiến quân thuộc một trong những lực lượng dân sự khu vực – đã nhanh chóng lẩn trốn từ lâu. Bác sĩ Mukwege cho rằng chính nền văn hóa nơi cái ác không bị trừng phạt là nguồn cơn của vấn đề này. Cô Gloria, một bệnh nhân tại bệnh viện Panzi kể lại, cô đã bị ba gã dân quân cưỡng hiếp bên cạnh một con đường bùn đất để ăn mừng chiến thắng trước lực lượng quân đội quốc gia. Những người đàn ông này đều có một khẩu AK-47 trong tay, đã bắt giữ cô và người bạn khi đi qua một khu đất đầy bờ bụi. “Họ đánh tôi, đặt tôi xuống đất, để một tấm vải che đầu tôi và cưỡng hiếp tôi. Họ dọa sẽ bắn nếu tôi cựa quậy. Cả ba người lần lượt làm chuyện đó,” cô kể, với sự bình tĩnh đáng kinh ngạc.

Quay trở về làng trong tình trạng chảy máu nặng nề, Gloria bị chồng bỏ rơi khi thấy cô bị cưỡng hiếp. Cô còn bị chính những người hàng xóm hắt hủi và xa lánh. Sau ba năm chảy máu ròng rã và đau bụng cấp tính, cô đến được phòng khám của bác sĩ Mukwege nhờ tiền quyên góp của một số chị em phụ nữ trong nhà thờ. Ban đầu, cô hết sức mặc cảm khi vào khám. Dần dà, Gloria coi Mukwege như một người bạn vì tấm lòng tử tế của ông. “Nhờ có ông ấy, tôi vẫn còn ở đây,” cô chia sẻ.

Bác sĩ Mukwege đã phải hy sinh rất nhiều. Ông đã sống “gần như một tù nhân” trong bệnh viện. Thế giới bên ngoài phòng khám không hề an toàn với vị bác sĩ. Ông may mắn thoát khỏi một vụ ám sát năm 2012 và phải lánh sang Bỉ cùng gia đình. Các bệnh nhân khi xưa của Mukwege đã cùng viết nhiều lá thư không có hồi âm cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là Ban Ki-moon để nỗ lực đưa vị bác sĩ về lại quê hương. Ông kể, giọng đứt quãng, “sau đó họ bắt đầu đến bệnh viện vào mỗi thứ Sáu để quyên góp số tiền 50 đô-la kiếm được từ việc bán rau quả.” Những người phụ nữ ấy chỉ cần không đến một đô-la để sống sót mỗi ngày. “Tôi quyết định sẽ quay trở lại, vì sự hy sinh của họ vĩ đại hơn của mình.”

Nỗ lực ám sát ông đã manh mún từ thời điểm vị bác sĩ này chỉ trích các nhà lãnh đạo Congo tại Liên Hiệp Quốc khi để mặc tình trạng xung đột và cưỡng hiếp tiếp diễn ở nước này. Thậm chí cho đến nay, chính phủ Congo vẫn không phục Mukwege. “Chúng tôi khen ngợi công dân mình vì đã có được niềm vinh dự này, nhưng không phải lúc nào cũng đồng tình với góc nhìn của ông ấy,” Bộ trưởng Bộ Thông tin Congo lầm bầm chia sẻ.

Bảo Ngọc (lược dịch the Economist)

Exit mobile version