Site icon Thời báo Việt Đức

Đứa trẻ thoát chết sau ca phá thai 20 năm lặn lội tìm mẹ

Melissa lúc 25 tuần tuổi. Ảnh: M.O

Người phụ nữ có bầu 8 tháng phá thai. Đứa con vừa lọt lòng bị vứt vào thùng rác, bé được một y tá cứu đưa vào viện chăm sóc.

Cân nặng khoảng 1,3 kg, đứa trẻ mới chào đời một mình nằm trong phòng sinh vào ngày 29/8/1977. Chẳng có bà mẹ nào cả, cũng chẳng có bàn tay nào âu yếm nắm lấy đôi tay nhỏ xíu, lạnh ngắt của em. Ở đây, chỉ có em đang hấp hối, tuyệt vọng giữa cuộc sống này. Em là ai? Em là Melissa Ohden – đứa bé may mắn sống sót sau ca phá thai của người mẹ giữa mùa đông lạnh lẽo.

Mẹ của Melissa Ohden đã rời Bệnh viện Saint Luke ở thành phố Sioux (Mỹ) và tin rằng dung dịch muối mà bác sĩ đưa vào tử cung mình suốt năm ngày qua đã khiến thai nhi 8 tháng tuổi trong bụng mình chết đi. Người phụ nữ không biết rằng con gái bà đã sống sót kỳ diệu, nỗ lực giành lại mạng sống cho đến 36 năm sau đó. Sau khi Melissa biết sự thật về việc có mặt của mình trên đời này, cô đã dành gần hai thập kỷ để tìm kiếm câu trả lời.

Trong cuốn tự truyện You carried me, Melissa nói rằng, sở dĩ cô còn thở đến ngày này là nhờ một nữ y tá tại bệnh viện. Cô khi ấy là một đứa trẻ sinh non bị vứt vào thùng rác y tế, một nữ y tá đã nghe thấy tiếng khóc yếu ớt, những cử động nhẹ nhàng và hơi thở hổn hển của cô. Y tá đã lập tức đưa cô bé vào phòng chăm sóc đặc biệt. Đứa trẻ bị vàng da, suy hô hấp và động kinh. Các bác sĩ cho rằng, dù cho em bé khi đó sống sót được cũng sẽ bị những vấn đề về thị lực, thính lực và chậm phát triển.

Cuối cùng, Melissa đã sống. Ba tuần sau đó, Melissa được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y ở thành phố Iowa. Các y tá đã may cho cô bé những bộ quần áo nhỏ xíu và cả những chiếc bỉm đầy màu sắc. Melissa được y tá Mary đặt tên là Katie Rose. Ba tháng tuổi, Melissa được vợ chồng Linda và Ron Ohden nhận làm con nuôi. Cô bé xuất viện, cùng bố mẹ nuôi về nơi ở mới cùng với chị Tammy – cô bé lớn hơn Melissa 4 tuổi, cũng được vợ chồng Linda nhận làm con nuôi.

Nhiều năm sau đó, bố mẹ nuôi Melissa vẫn giữ liên lạc với y tá Mary, cập nhật cho Mary biết về sự phát triển của con gái. Melissa lớn hơn, cô tự tay viết thư gửi cho Mary. “Mary và tôi có một tình bạn đặc biệt kéo dài suốt nhiều thập kỷ. Tôi cảm nhận chỉ có cô ấy là lo lắng cho tôi hơn cả”, Melissa nói.

Những năm đầu đời sức khỏe kém, đến năm tuổi, Melissa đã phát triển hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh. Khi cô bé 6 tuổi, bố mẹ nuôi  chào đón cậu con trai ruột tên Dustin. Melissa và chị gái Tammy ngay từ khi còn bé đã được bố mẹ nuôi cho biết rằng họ đã nhận nuôi hai em. “Tammy và tôi cãi nhau suốt, hệt như các cặp chị em khác. Trong một lần tranh cãi nảy lửa khi tôi 14 tuổi, Tammy đã hét lên: ‘Ít nhất thì bố mẹ chị vẫn muốn chị'”, Melissa kể lại.

Câu nói của Tammy khiến cô bé băn khoăn về sự ra đời của mình. “Tôi chạy đến bên bố mẹ và cuối cùng họ đã nói với tôi sự thật đau lòng, rằng tôi đã sống sót sau vụ phá thai thất bại. Họ từng dự định sẽ không bao giờ để tôi biết điều này. Đêm đó, tôi cảm giác như thế giới của mình ngừng quay. Tức giận, sợ hãi, hổ thẹn và thậm chí cảm thấy tội lỗi vì đã sống”, Melissa nói.

Theo Newtalks, Melissa sau đó trải qua năm tháng đau đớn về tinh thần. Cô sống sa đọa, buông thả bản thân và nghiện rượu. “Tôi uống rất nhiều để xoa dịu nỗi đau. Bố mẹ không hề nhận ra tôi đau đớn thế nào vì tôi giấu cảm xúc rất giỏi”, cô kể lại.

Melissa tìm được mẹ ruột sau 36 năm. Ảnh: M.O

Sau khi tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống, cô đến Đại học South Dakota để theo học ngành Khoa học Chính trị. Tại đây, Melissa biết rằng mẹ ruột mình cũng từng học ở đây và thậm chí bà ngoại của cô là một giáo sư giảng dạy ở nơi này. “Tôi tự hỏi liệu chúng tôi đã vô tình gặp mặt nhau mà không hề hay biết”, Melissa chia sẻ.

Ở tuổi 19, khao khát lớn nhất của Melissa là biết rõ về nguồn gốc của mình. Việc này thực sự khá khó khăn vì trên giấy nhận con nuôi của cô có rất ít thông tin về bố mẹ. Vì thế, danh tính của gia đình cô vẫn là một điều bí ẩn.

Melissa sau đó chuyển đến thành phố Sioux sinh sống – nơi cô chào đời. Cô lục tìm trong danh bạ, báo chí được lưu trữ, những quyển sách ở thư viện, nhưng vì không biết tên mẹ nên cô chỉ hy vọng tìm thấy được gương mặt nào đó giống mình mà thôi. Melissa cũng đăng tin tìm người thân trên báo địa phương. Nhưng mọi thứ đều vô ích.

Thời gian trôi đi, năm 30 tuổi, Melissa bất ngờ tìm được manh mối về ông bà ngoại nhờ lướt qua kỷ yếu của một trường đại học và dừng lại ở bức hình mà cô nghĩ là bà ngoại mình. Cô gửi thư đến ông bà ngoại nhưng chỉ có mỗi người ông trả lời. “Ông nói rằng tôi ra đời không phải là dự tính của họ. Ông nói thêm rằng tôi không thể tìm kiếm mẹ ruột của mình qua họ vì họ và mẹ tôi hoàn toàn xa lạ. Rõ ràng mối quan hệ của họ không được tốt sau khi tôi ra đời. Tôi biết có điều gì uẩn khúc ở đây”, Melissa kể lại.

Cùng năm đó, Melissa yêu cầu bệnh viện cho xem hồ sơ bệnh án của mình. Cô gái phát hiện mình đang ở cùng thành phố với bố ruột. Melissa lập tức viết thư cho bố. “Tôi có mọi lý do để tin rằng bố chưa bao giờ biết tôi chào đời. Tôi chỉ nói với bố rằng tôi vẫn còn sống và tôi không hề tức giận hay căm phẫn gì cả. Thế nhưng ông không hồi âm”, Melissa kể lại.

Sáu tháng sau, cô tìm kiếm tên bố trên Internet và phát hiện bố vừa qua đời khi cô thấy tờ cáo phó. Cô liên lạc với người anh em trai của bố. “Gia đình bố đã biết về sự tồn tại của tôi. Họ đọc được lá thư tôi gửi cho bố lúc dọn dẹp phòng sau khi bố qua đời. Họ nói với tôi bố từng than thở với họ: “Tôi đã làm một việc rất xấu hổ mà không thể nói ra. Vậy là tôi đã hiểu, mẹ tôi bị ép buộc phải phá thai và bố tôi không hề ngăn cản. Có lẽ ông cảm thấy xấu hổ nếu trả lời tôi”, cô gái chia sẻ.

Melissa từ bỏ việc tìm kiếm và kết hôn với Ryan, một nhân viên IT và sinh hai con gái Olivia, Ava. Cô bé Olivia sinh ra cùng bệnh viện nơi cô chào đời.

Melissa 36 tuổi, người em họ của mẹ ruột cô bất ngờ gửi email liên lạc sau khi biết cô đang tìm mẹ. Từ đây, Melissa hiểu rõ hơn về bố mẹ mình. Họ là bạn tâm giao từ khi còn thơ ấu, đến khi vào đại học, cả hai đính hôn và mẹ cô đã mang thai. Cô biết mẹ rất khỏe mạnh nhưng kinh nguyệt lại không đều. Do đó, bà không biết mình mang thai, cho đến tận ba tháng cuối thai kỳ. Mẹ không muốn phá thai nhưng ông bà ngoại lại không đồng ý mối quan hệ của mẹ và bố. Phát hiện này là một cú sốc lớn bởi nhiều năm cô không ngừng suy nghĩ rằng mẹ không hề muốn sự tồn tại của cô. Bà ngoại đã sắp xếp cho mẹ đi phá thai chỉ trong vòng vài ngày sau khi biết đến sự tồn tại của cái thai. “Trái tim tôi đau đớn khi biết những gì mẹ đã phải trải qua khi đó”, cô gái kể.

Melissa cũng được biết người em họ của mẹ đã đến thăm suốt 5 ngày mẹ cô trong bệnh viện làm thủ tục phá thai, đồng thời cũng cố gắng giúp mẹ trốn khỏi bệnh viện. Các nhân viên bệnh viện khi đó bảo rằng mọi thứ đã quá trễ. Melissa còn biết được rằng việc cô được nhận làm con nuôi cũng bởi một người đã giả mạo chữ ký của mẹ cô. Sau này, Melissa biết người đã chỉ thị cho các y tá bỏ cô vào túi rác bệnh viện sau ca phá thai cũng là bà ngoại của cô, bởi lúc ấy bà là một lãnh đạo bệnh viện.

Gia đình nhỏ của Melissa. Ảnh: M.O

Cuối cùng, sau ngần ấy năm tìm kiếm, Melissa đã tìm thấy mẹ. “Tôi không nhớ ai đã email trước nhưng tôi nhớ cả hai chúng tôi đều sốc”, Melissa kể lại. Mẹ không hề biết cô còn sống. Cả hai trò chuyện online ba năm trước khi gặp gỡ ngoài đời. “Tôi nghĩ chúng tôi đều sợ hãi sự chối bỏ. Nhưng rồi tôi đề nghị gặp gỡ và mẹ cũng rất trông đợi. Tháng 5 năm ngoái, mẹ con tôi gặp nhau. Nhìn thấy mẹ ở khoảng cách xa, một phần trong tôi muốn bỏ chạy. Thật đáng sợ. Gặp nhau rồi, chúng tôi ôm nhau khóc nức nở”, Melissa chia sẻ.

“Thật dài phải không mẹ”, Melissa nói với mẹ lúc gặp gỡ. Còn mẹ cô bảo: “Mẹ đã bị cướp con đi”. “Bà nói đã mang rất nhiều cảm giác tội lỗi và sống với sự ân hận. Tôi an ủi và nói không trách mẹ. Trong trái tim tôi chỉ có sự tha thứ, cho bố và cho cả bà ngoại”, Melissa tâm sự.

Bà ngoại cô đã qua đời vài năm trước. Cô cũng biết mình có hai chị em cùng mẹ khác cha. Kể từ lần đoàn tụ với mẹ đến nay, hai mẹ con có gặp gỡ vài lần và thường xuyên giữ liên lạc.

Melissa giờ đây là một diễn giả, nhà văn. Cô sáng lập ra Abortion Survivors Network để hỗ trợ những người gặp phải tình huống tương tự. “Tôi liên lạc với 223 trường hợp sống sót sau phá thai, hầu hết đến từ Mỹ nhưng ở những quốc gia khác cũng nhiều”, Melissa kể lại.

Đó là một hành trình dài và đau đớn từ sự hổ thẹn, tức giận đến tha thứ. Sau tất cả, Melissa chọn cách thứ tha, bởi cô cho rằng đã là con người thì không tránh khỏi những sai lầm, quan trọng là nhận ra và sửa sai thế nào.

Theo Thu Hiền / vnexpress.net

Exit mobile version