Quốc hội Liên bang Đức đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi, theo đó Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác có thể bị phạt một khoản tiền lên tới 50 triệu euro nếu không xóa bỏ các bình luận vi phạm pháp luật Đức.
Đạo luật mà Quốc hội Liên bang Đức thông qua hôm 30.6 có tên gọi là “Network Enforcement Act” (Đạo luật cưỡng chế hành vi sai phạm trên mạng), sau khi thông qua, đạo luật này sẽ có hiệu lực vào tháng 10 tới.
Theo các quy định trong đạo luật, các công ty truyền thông xã hội sẽ phải đối mặt với một mức phạt nghiêm khắc nếu không kịp thời xóa bỏ trong vòng 24 giờ các nội dung “rõ ràng là bất hợp pháp”.
Đó là các nội dung mang tính chất thù hận, phỉ báng và kích động bạo lực, tuyên truyền cho Đức Quốc xã, các biểu tượng của Đức Quốc xã hoặc phủ nhận tội ác diệt chủng chống người Do Thái đều được xem là bất hợp pháp tại Đức.
Nếu không xóa bỏ các nội dung nói trên, mạng xã hội vi phạm sẽ phải trả khoản tiền phạt ban đầu là 5 triệu euro (khoảng 129,6 tỉ đồng). Số tiền có thể tăng lên đến 50 triệu euro (khoảng 1.296 tỉ đồng) nếu các doanh nghiệp điều hành mạng xã hội tiếp tục không xóa các nội dung sai phạm. Các công ty truyền thông cũng sẽ có khoảng thời gian 1 tuần để xóa bỏ các thông điệp khó phân biệt nội dung hơn.
Đạo luật của Đức ngay lập tức vấp phải những tranh cãi xung quanh tính pháp lý. Nhiều người cho rằng đạo luật vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Mirko Hohmann và Alexander Pirang thuộc Viện chính sách công cộng toàn cầu ở Berlin nói rằng đạo luật mới được thông qua là “một bãi mìn chống lại các công ty công nghệ Mỹ”.
Cụ thể hai chuyên gia này cho rằng đạo luật Network Enforcement Act khá mơ hồ khi không thể xác định được mức độ bình luận như thế nào là phải gỡ bỏ, và cũng không nói rõ rằng bộ luật có áp dụng cho những bình luận được đăng lên bên ngoài lãnh thổ Đức hay không.
Ngay sau khi Đức thông qua đạo luật nói trên mà thường được biết đến với tên dân dã là “luật Facebook”, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã nhanh chóng đưa ra lời bình luận.
“Chúng tôi chia sẻ mục tiêu của chính phủ Đức nhằm chống lại các thông điệp thù hận. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để thực hiện triệt để điều này và đang có những tiến bộ đáng kể trong việc xóa bỏ những nội dung bất hợp pháp. Chúng tôi tin rằng những giải pháp tốt nhất sẽ được tìm thấy khi chính phủ, xã hội dân sự và ngành công nghệ cùng nhau tìm ra tiếng nói chung”, đại diện Facebook tuyên bố.
“Tự do ngôn luận sẽ dừng lại tại ngưỡng vi phạm pháp luật. Để bảo vệ tự do ngôn luận chúng ta cần phải ngăn ngừa một bầu không khí sợ hãi và hăm họa”, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas, một trong những người ủng hộ mạnh nhất cho đạo luật tuyên bố.
Đức là một trong những nước có đạo luật nghiêm khắc nhất thế giới chống lại các thông điệp thù hận. Những ai công khai tuyên bố tuyên truyền cho Đức Quốc xã đại Đức có thể phải lĩnh án tù.
Vừa qua, cảnh sát Đức đã đột kích vào nhà của 36 người vì cho rằng họ đang thông điệp kích động thù hận trên mạng.
Hồi tháng 4, ông Maas nói rằng chính phủ Đức đưa ra luật mới là để ép các công ty công nghệ phải thanh lọc những bình luận cực đoan trên mạng xã hội bằng cách đánh vào tài chính của họ.
Theo Thiên Hà/motthegioi.vn