Việc Thủ tướng Angela Merkel có thể thành lập được Chính phủ “Đại liên minh” được đánh giá là tốt nhất cho cả Đức và châu Âu.
Đức chính thức bước vào một tuần mới quan trọng với các cuộc đàm phán giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel và Đảng Dân chủ xã hội (SPD) nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị tại quốc gia này.
Sự bế tắc trên chính trường Đức sau khi các cuộc đối thoại thành lập liên minh 3 bên thất bại, đặt ra câu hỏi về vai trò và uy tín của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Dưới sức ép gia tăng để đảm bảo sự ổn định và tránh các cuộc bầu cử mới, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã thay đổi lập trường, nhất trí đối thoại với liên đảng của Thủ tướng Merkel, gia tăng triển vọng về một chính phủ đại liên minh.
Phát biểu sau cuộc họp đảng, Chủ tịch CSU Horst Seehofer cho rằng, một liên minh giữa Đảng Bảo thủ và SPD là lựa chọn tốt nhất cho nước Đức hiện nay, tốt hơn bất cứ liên minh nào với Đảng Dân chủ tự do và Đảng Xanh, hay tổ chức các cuộc bầu cử hoặc một chính phủ thiểu số. Một khảo sát hôm qua cũng cho thấy, 52% những người Đức ủng hộ một “Đại liên minh”.
Mặc dù chưa có cuộc đối thoại nào diễn ra, nhưng hai khối này bắt đầu công bố những chính sách ưu tiên, cho thấy có nhiều điểm khác biệt liên quan đến vấn đề tài chính, di cư, châu Âu, chính sách ngoại giao… Một trong những vấn đề có thể khiến các cuộc đàm phán bế tắc đó là mức trần tiếp nhận người tị nạn.
Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Martin Schulz cho biết sẽ bảo vệ các chính sách của mình trong các cuộc đối thoại: “Tôi sẽ không cố gắng để thành lập một đại liên minh, không cố gắng vì một chính phủ thiểu số hay ủng hộ giải pháp nào đó. Tôi cũng không cố gắng để đưa nước Đức hướng đến một cuộc bầu cử mới. Điều quan trọng là tôi muốn đó là thảo luận với các bên về cách tốt nhất để cải thiện cuộc sống của người dân, cả ở mức độ quốc gia và quốc tế”.
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh viễn cảnh thành lập chính phủ mới tại Đức thất bại có thể là một yếu tố bất lợi cho Thủ tướng Merkel vào thời điểm hiện nay, vì vậy sẽ có nhiều khả năng bà Merkel buộc phải thỏa hiệp với các điều kiện của SPD đưa ra.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp đảng, Thủ tướng Merkel khẳng định mong muốn hướng tới một đại liên minh, nhưng phải trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau: “Mọi cá nhân tại nước Đức có quyền đi bỏ phiếu và thể hiện mong muốn những vấn đề gì được giải quyết- đó là dân chủ.
Trong cuộc bầu cử tới chúng ta phải làm tốt hơn và giải quyết nhiều vấn đề hơn. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang đánh giá các cuộc đối thoại với Đảng Dân chủ xã hội. Tôi xin khẳng định rõ ràng rằng, các cuộc đối thoại chỉ được tiến hành trên cơ sở nền tảng tôn trọng lẫn nhau”.
Chủ tịch CSU Horst Seehofer cũng cảnh báo, SPD không nên đưa ra quá nhiều yêu sách trong đàm phán, bởi phía liên đảng bảo thủ không muốn đạt được thỏa thuận liên minh “bằng mọi giá”.
Trong nội bộ đảng của Thủ tướng Merkel cũng gia tăng sức ép về việc cần phải có một thỏa thuận trước Giáng sinh, cho rằng nếu không có thỏa thuận, đảng Bảo thủ nên lựa chọn một chính phủ thiểu số.
Với vai trò là trung gian, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trong tuần này sẽ chủ trì cuộc gặp với lãnh đạo 3 đảng CDU, CSU và SPD để thảo luận về khả năng tiến hành đàm phán thành lập Chính phủ ở Đức.
Hiện châu Âu cũng đang hướng sự quan tâm đến những diễn biến trên chính trường của nền kinh tế lớn nhất châu lục này. Nhiều quan chức châu Âu đã có cuộc điện đàm với Lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội, kêu gọi đảng này gánh vác trách nhiệm chung đảm bảo sự ổn định của nước Đức và cả châu Âu./.
Theo Phạm Hà / vov.vn