Site icon Thời báo Việt Đức

Đức cấm xe ô tô chạy dầu diesel: Kẻ khóc người cười

Ảnh: Trung Hiếu

Việc hàng loạt các quốc gia sẽ cấm xe chạy động cơ chạy xăng, dầu gây hoang mang các xe và người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây lại là có thể coi là tin tốt lành đối với các công ty đang phát triển mảng xe điện.
Dư luận hiện đang chú ý tới kết quả cuộc họp giữa các bộ trưởng nước Đức và đại diện từ các hãng xe nhằm tìm ra giải pháp cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm không khí trong thành phố. Đồng thời các bên tham gia cũng đang nỗ lực tìm ra giải pháp tốt hơn nhằm tránh phương án cấm xe ô tô sử dụng động cơ diesel cũng như khôi phục danh tiếng ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Kể từ khi hãng xe Volkswagen thừa nhận rằng họ đã gian lận trong bài kiểm tra khí thải của Mỹ hồi tháng 9/2015, chính quyền bà Angela Merkel đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích rằng chưa có hành động quyết liệt để giảm tình trạng ô nhiễm không khí gây ra bởi các phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô. Đồng thời, nhiều người phàn nàn rằng mối quan hệ giữa chính phủ và các hãng xe lớn quá mật thiết.

Vấn đề này đang trở thành đề tài nóng hổi trước thềm cuộc bầu cử quốc gia chuẩn bị tổ chức vào tháng tới và chính phủ đang cố gắng thể hiện rằng họ đang đóng vai trò như những tổ chức bảo vệ môi trường đang hành động để buộc các thành phố lớn cấm các phương tiện sử dụng động cơ diesel.

Hôm thứ 6 tuần trước, một tòa án ở Đức đã ủng hộ ý kiến cấm xe ô tô sử dụng động cơ diesel tại thành phố Stuttgart. Điều này đã tạo nên “cơn lốc” lớn quét qua các công ty sản xuất xe của một trong những “thủ phủ” ngành ô tô trên thế giới như Daimler và Volkswagen. Thành phố này tuyên bố sẽ cấm các mẫu xe có lượng khí thải vượt quá quy định.

Theo tờ BBC cho hay mức độ ô nhiễm không khí tại một số thành phố của Đức đang vượt quá so với quy định. Đây là vấn đề nhức nhối cho cả các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp sản xuất ô tô.

Trong một động thái nhằm ngăn chặn lệnh cấm này chính thức được ban hành, các hãng sản xuất ô tô của Đức và một số chính trị gia đã xây dựng kế hoạch nâng cấp phần mềm quản lý động cơ của một số mẫu xe đời cũ nhằm nâng cao hiệu năng hệ thống lọc khí thải của xe.

Điển hình là Daimler, công ty sở hữu thương hiệu xe sang Mercedes-Benz hồi giữa tháng 7 quyết định thu hồi hơn 3 triệu xe nhằm nâng cấp động cơ diesel miễn phí dành cho khách hàng tại châu Âu nhằm cải thiện lượng khí thải từ động cơ diesel.

Daimler đồng thời cho hay hãng đang sản xuất thế hệ động cơ diesel mới với lượng khí thải được kiểm định nghiêm ngặt bởi các cơ quan độc lập. Dòng động cơ diesel mới này sẽ nhanh chóng được lắp ráp trên các mẫu xe mới nhất của Mercedes-Benz.

Hiện vẫn chưa có dấu hiệu chắc chắc nào chính phủ Đức sẽ sớm cấm xe chạy diesel. Trong khi đó, một số thành phố lớn khác như Paris, Madrid, Mexico City và Athens cho biết họ cấm các xe sử dụng động cơ diesel trong trung tâm thành phố vào năm 2025. Cùng lúc đó, chính phủ Pháp và Anh cũng cho biết họ sẽ cấm kinh doanh các dòng xe chạy xăng và dầu diesel vào năm 2040.

Kẻ khóc người cười

Việc hàng loạt các quốc gia sẽ cấm xe chạy động cơ chạy xăng, dầu gây hoang mang không chỉ đối với các hãng xe mà còn đối với người tiêu dùng- những người vẫn di chuyển hàng ngày trên những chiếc xe này. Tuy nhiên, đây lại là có thể coi là tin tốt lành đối với các công ty đang phát triển mảng xe điện như Tesla hay mới đây là BMW và một số hãng xe khác.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi đầu tháng 6 cho thấy thị trường xe điện mới chỉ chủ yếu tập trung ở một số quốc gia. Trong đó, 95% doanh số bán xe điện phân bố ở 10 quốc gia Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Canada, Na Uy, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Thụy Điển.

Tuy vậy, IEA vẫn kỳ vọng đến năm 2020 số lượng xe điện sẽ đạt từ 9-20 triệu và từ 40 triệu đến 70 triệu vào năm 2025.

Tuy nhiên, việc chuyển sang sử dụng xe điện sẽ rất tốn kém không chỉ là số tiền bỏ ra để mua xe khá đắt đỏ mà còn chi phí khổng lồ mà các quốc gia phải bỏ ra để xây dựng cơ sở hạ tầng, điển hình là các chạm sạc điện.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh thế giới đang “chìm” trong dầu thừa trong khi lượng xe chạy nhiên liệu xăng, dầu ở các thành phố lớn đang giảm mạnh, kinh tế của các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Cũng chính vì những lý do này, quyết định này sẽ phải mất nhiều thời gian để suy xét cũng như xây dựng đề án, kế hoạch để thực hiện.

Theo Đức Quỳnh/ Người đồng hành

Exit mobile version