Chiến hạm Đức sẽ khởi hành từ phía bắc nước này, được lên kế hoạch sẽ đến các cảng ở Nhật, Hàn Quốc, Úc… và có thể đi qua Biển Đông.
Chính phủ Đức đang cân nhắc gửi một chiến hạm đến Nhật và nhiều đồng minh khác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, báo Nikkei Asia ngày 26-1 đưa tin.
Theo nguồn tin của Nikkei Asia, một tàu hộ tống đang đóng quân ở phía bắc nước Đức sẽ sớm khởi hành tới Nhật, Hàn Quốc, Úc… Việc cho tàu đi qua Biển Đông cũng là một phần trong hải trình đang được thiết kế.
Ngoài ra, chiến hạm của Đức cũng sẽ tập trận chung tại một số vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp trong khu vực.
Ông Thomas Silberhorn, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức, xác nhận ý định điều tàu đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cho biết chính quyền Berlin “hy vọng tàu sẽ khởi hành trong mùa hè này”.
Ông Silberhorn cho biết Đức muốn thắt chặt quan hệ với các nước cùng chí hướng như Nhật, Hàn Quốc, Úc… song chưa vạch ra hải trình chi tiết cho con tàu.
Ông Silberhorn cũng nhấn mạnh động thái này của Berlin “không nhắm vào bất kỳ nước nào”.
Năm ngoái, nội các Đức đã thông qua các phương hướng chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường mở và yêu cầu thượng tôn pháp luật trong khu vực. Việc triển khai chiến hạm được cho là bước đầu tiên để hiện thực hóa cách tiếp cận mới này.
Bất chấp bình luận của ông Silberhorn, giới quan sát cho rằng qua động thái lần này, Đức muốn gửi thông điệp tới Trung Quốc. Cuộc bầu cử sắp diễn ra trong năm nay và việc chắc chắn sẽ có một người mới lên thay thế vị trí Thủ tướng Đức của bà Angela Merkel có thể gây ra nhiều khó khăn cho Bắc Kinh.
Ông Silberhorn còn cho rằng châu Âu cần hợp tác và đảm nhận nhiều trách nhiệm an ninh hơn thay vì quá phụ thuộc vào Mỹ.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao ở châu Âu cho rằng châu Âu “có nhiều kinh nghiệm ngoại giao với Nga nhưng thiếu kinh nghiệm với châu Á”, do đó, cần có những bước đi mới để tự học hỏi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Khác với Đức, Anh và Pháp – hai đồng minh của Berlin trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – có nhiều động thái mạnh mẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cả Anh và Pháp đều có các lãnh thổ hải ngoại trong khu vực này, còn Đức thì không.
Anh đang chuẩn bị triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới châu Á. Trong khi đó, Pháp có 8.000 lính đồn trú ở vùng lãnh thổ Reunion thuộc Pháp.
Theo Hoàn Đức / plo.vn