Site icon Thời báo Việt Đức

Đức cảnh báo ngộ độc cá nhập từ Việt Nam

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Đức là thị trường xuất khẩu thủy hải sản thứ 10 của Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Bảo vệ người tiêu dùng tại tiểu bang Bayern, tháng trước có 11 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cá hồng đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Những hộp cá này bị nghi nhiễm độc Ciguatera do loài trùng roi xoắn gây nên.

Khách tiêu dùng được khuyến cáo không tiêu thụ những hộp phi lê cá với thông tin trên bao bì: (i) Red Snapper (cá hồng), đông lạnh, nhập từ Việt Nam, khu vực đánh bắt FAO 71, số lô xuất xưởng VN/385/III/122, thời hạn sử dụng: cuối năm 2018, kích cỡ miếng fillet: 170 đến 230 g/miếng; và (ii) Red Snapper (cá hồng), đông lạnh, nhập từ Việt Nam, khu vực đánh bắt FAO 71, số lô xuất xưởng VN/385/III/124, thời hạn sử dụng: 16-7-2018, kích cỡ miếng fillet: 170 đến 230 g/miếng. Loại cá này được bán tại các tiểu bang Bayern, Berlin, Bremen, Hamburg, Hessen, Mecklemburg-Vorpommern, Niedersachsen, Nordrhein-Westfalen, Rheinland-Pfalz, Saarland, Sachsen-Anhalt, Schleswig-Holstein và Thüringen. Hiện việc thu hồi những sản phẩm này đang được giám sát chặt chẽ. Các cơ quan chức năng Đức sẽ kiểm tra quá trình nhập khẩu cá từ Việt Nam. Loại cá này không chỉ bị cảnh báo ở Đức mà cả Đan Mạch, Hà Lan, Tiệp và Áo. Trước đó, ngày 9.3 có 14.550 kg cá Việt Nam được nhập khẩu vào Ý bị trả lại do kí hiệu không đầy đủ.

Trước đó gần một năm (tháng 5-2016), truyền thông đưa tin Eu từ chối nhập khẩu 4 lô hải sản xuất sứ Việt Nam. Trong đó, Đức từ chối một lô cá ba sa có mùi khai (amoniac) và có muối sodium carbonate (Na2Co3) hiện bị cấm; một lô cá thu đóng hộp vì vì có Histamine (là chất amine có thể có tác dụng phụ, hại cho người sử dụng nên gần đây EU đã cấm); và một lô cá swordfish đông lạnh của 1 công ty bị từ chối vì có chứa thủy ngân.

Không chỉ cá mà một số loại hình thủy hải sản khác của Việt Nam cũng gặp trở ngại khi nhập khẩu vào EU. Ví dụ như tôm thường bị phát hiện có bơm tạp chất. Các chuyên gia và giới chức trách của các nước EU khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam phải chú ý kỹ quy trình sản xuất và chế biến thủy hải sản để đạt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính này.

EU hay cả Mỹ là những quốc giá béo bở, tiêu thụ lượng thủy hải sản lớn của Việt Nam hàng năm. Riêng Đức là thị trường nhập khẩu thủy hải sản lớn thứ 10 của Việt Nam trên thế giới trong năm 2016. Tuy nhiên, các thông tin truyền thông những năm gần đây dẫn lời các quan chức EU hay Mỹ đều cho thấy họ sẵn sàng nhập thủy hải sản từ Nhật Bản, Indonesia hay Philippines, chấp nhận giá cao hơn nhưng chất lượng tốt và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, nếu quan sát việc sản xuất thủy hải sản ở Việt Nam, không khó thấy những nỗ lực của ngành chức năng lẫn người nuôi trồng trong việc cải thiện các tiêu chuẩn hàng hóa để xuất khẩu, nhất là từ khi các hiệp định mậu dịch tự do, như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA),… ra đời, mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa cạnh tranh giá cả cho hàng Việt Nam. Tuy nhiên song song đó, các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của các thị trường Mỹ và châu Âu cũng gia tăng đáng kể. Việc cải thiện chưa đủ, chưa mang tính hệ thống, kèm theo đó là một bộ phận doanh nghiệp và người nuôi trồng thiếu ý thức về lợi ích lâu dài của việc bám sát các tiêu chuẩn khắt khe, khiến việc xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam vẫn dừng ở mức tiềm năng, thậm chí gặp nhiều rắc rối ảnh hưởng uy tín.

Nếu vẫn tiếp tục để tình trạng hàng thủy hải sản nhập từ Việt Nam gặp các vụ bê bối vì hóa chất (liên quan quá trình nuôi trồng hoặc xử lý, chế biến) thì thời gian tới, thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu sẽ chuyển hướng mạnh mẽ sang các nước đối thủ, gây tổn thất lớn cho ngành xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam.

Lưu Phong

Exit mobile version