Đức và Qatar nhất trí về thỏa thuận cung cấp khí hóa lỏng dài hạn, được kỳ vọng giúp Berlin thoát khỏi phụ thuộc năng lượng vào Moskva.
“Hai bên đã đồng ý về tham gia quan hệ đối tác năng lượng lâu dài”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 20/3 phát biểu khi công bố thỏa thuận mua khí đốt hóa lỏng với Qatar sau cuộc thảo luận tại Doha. “Các công ty tham gia vào hành trình này sẽ đàm phán hợp đồng với phía Qatar”.
Bộ trưởng Habeck chưa nêu chi tiết về kế hoạch nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Qatar. Thỏa thuận cung cấp LNG giữa Đức và Qatar là một phần trong nỗ lực của Berlin nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Habeck, một lãnh đạo của đảng Xanh trong chính phủ liên minh Đức, đã thực hiện một số sáng kiến nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt sau khi bị chỉ trích vì từ chối ngừng nhập hoàn toàn năng lượng từ Nga để phản đối chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Đức.
Chuyến thăm Qatar của Bộ trưởng Habeck diễn ra sau chuyến công du Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Thủ tướng Anh Boris Johnson. Chuyến đi của ông Johnson nằm trong nỗ lực thuyết phục hai đồng minh của Anh ở Vùng Vịnh tăng sản lượng dầu, song gần như không đạt kết quả.
Qatar dự kiến tăng gần gấp đôi sản lượng LNG vào năm 2025. Bộ trưởng Habeck cho biết châu Âu đang trong quá trình giảm nhập năng lượng từ Nga xuống 0, song Đức chưa có cảng nhận LNG nào. Hai cảng nhận LNG ở Brunsbüttel và Wilhelmshaven dự kiến mất ba năm để xây dựng.
Đức nhập khoảng 56 tỷ m3 khí đốt từ Nga trong năm 2020, chiếm gần 55% lượng khí đốt nước này sử dụng. Tổng lượng khí đốt Liên minh châu Âu (EU) nhập từ Nga là khoảng 168 tỷ m3.
Nga cũng cung cấp 34% lượng dầu cho Đức, chủ yếu theo tuyến đường ống Druzhba. Đức đã yêu cầu EU không trừng phạt hai ngân hàng Nga phục vụ hoạt động mua dầu khí sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine” ngày 24/2.
Chính phủ Đức ngày 22/2 thông báo đình chỉ phê duyệt đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2. Đây là đường ống dài 1.230 km dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua ngả Ukraine hay Ba Lan, bắt đầu được xây dựng từ năm 2018 và hoàn thành năm ngoái nhưng chưa đi vào hoạt động.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)
Nguồn: vnexpress.net