Site icon Thời báo Việt Đức

Đức lấp kẻ hở luật quản lý “nhận con giả”

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Nhận con giả là những hình thức phổ biến hiện nay nhằm lạm dụng quyền đoàn tụ gia đình để được phép lưu trú hợp pháp lâu dài.

Hôm 5-6-2017, đài ARD đã cho đăng một clip ngắn về tình trạng nhận con giả tại Đức, trong đó có một đoạn được quay ở chợ Đồng Xuân Berlin nói về tình trạng những người phụ nữ sống tại trại tị nạn sinh con, sau đó thuê người có quốc tịch Đức nhận con giả để được “ăn theo” con.

Cơ sở pháp lý nhận con để được cấp phép lưu trú

Theo nghiên cứu của đài rbb, chỉ riêng Berlin đã có 700 trường hợp. Theo cảnh sát và Viện kiểm sát, hình thức nhận con giả này không chỉ có tại Berlin mà toàn liên bang. Đài rbb cho biết, ngày càng có nhiều phụ nữ đến từ Việt Nam, châu Phi và Đông Âu đa số sang Đức bằng con đường du lịch. Do trong thời gian mang thai nên họ được nhập trại tị nạn theo Luật bảo vệ bà mẹ trẻ em. Để có giấy tờ ở lại, họ trả cho những người „bố giả“ có quốc tịch Đức, luật sư, công chứng khoảng 5000 Euro để nhận con.

Theo điều §28 Abs.3 AufenthG luật lưu trú, với những con dưới tuổi trưởng thành mang quốc tịch Đức và chưa có gia đình riêng, cả bố và mẹ chúng đều có quyền được cấp phép lưu trú để „thực hiện quyền chăm sóc con“. Do đó, một người đàn ông Đức có thể nhận con của một phụ nữ ngoại quốc không chồng.

Qua đó người con sẽ có quốc tịch Đức theo Điều §4 luật quốc tịch và người mẹ của đứa con sẽ được quyền trước tiên là cấp phép lưu trú có thời hạn và sau đó là lưu trú dài hạn ở Đức. Trong trường hợp này, việc cấp phép lưu trú không đòi hỏi bắt buộc thu nhập của người bố xin đoàn tụ phải đảm bảo cuộc sống. Bởi thế những ông bố giả này cũng không có gì phải lo lắng về nghĩa vụ phải chu cấp nuôi dưỡng con, khi bản thân hoàn toàn không có khả năng do họ chủ yếu sống nhờ tiền trợ cấp xã hội.

Vì sao chưa có biện pháp chống lại nạn nhận con giả

Theo rbb, có nhiều trường hợp nhìn vào có thể thấy ngay không phải bố con, chẳng hạn có trường hợp một người Đức 28 tuổi nhận một bé Việt Nam làm con. Người bố này trước đây từng có nhiều tiền án vì vi phạm Hiến pháp Đức và có mối quan hệ với đảng NPD, đảng bài trừ người nước ngoài.

Theo Viện kiểm sát Berlin, trong những năm gần đây, số trường hợp nhận con khả nghi tăng mạnh, có những người nhận đến 10 người con. Hàng tháng Viện kiểm sát ghi nhận rất nhiều trường hợp khả nghi. Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Liên bang, ông Ole Schröde cho biết, số trường hợp nhận con giả trên thực tế cao gấp nhiều lần so với con số được ghi nhận.

Khi đã có sự hoài nghi về lạm dụng và nhận con giả, tùy theo từng trường hợp cụ thể, sở ngoại kiều thường đề nghị đối tượng bị nghi vấn „tự nguyện“ làm thủ tục xét nghiệm gen- Gentest làm bằng chứng đối chứng. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà chức trách chưa có biện pháp chống lại nạn nhận con giả, do bị cản trở bởi một phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang năm 2013. Theo đó, ngay cả trong trường hợp khả nghi cũng không được phép điều tra tội nhận con giả, do nguy cơ người con không có quốc tịch rất cao. Người bố không nhất thiết phải là bố sinh học.

Theo ông Hans-Georg Lorenz, luật sư về Luật ngoại kiều tại Spandau, nếu bị phát hiện lừa đảo, Sở Ngoại kiều có quyền vô hiệu hóa toàn bộ quá trình. Khi đó, người con mất quốc tịch Đức, người mẹ mất quyền lưu trú. Luật sư cũng nêu ra một trường hợp lừa đảo bị phát hiện khiến người con 18 tuổi bị mất quốc tịch Đức.

Lưu Phong

Exit mobile version