Site icon Thời báo Việt Đức

Đức liên doanh công ty khí hóa lỏng Nga, Mỹ hết cửa

Ảnh minh họa: pixabay.com

Đức, Nga, Bỉ thành lập liên doanh xây dựng cơ sở hậu cần khí thiên nhiên hóa lỏng ở Đức.

Ngày 9/10/2018, nhà điều phối chống độc quyền của Đức phát đi thông báo cho biết, Công ty phát triển khí và LNG của Nga Novatek, nhà điều hành truyền tải khí đốt Fluxys NV/SA của Bỉ cùng với hãng điện khí hàng đầu nước Đức là Siemens đã thành lập một liên doanh xây dựng cơ sở hậu cần khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại cảng Rostock của Đức.

Cơ quan quản lý của Đức đã mô tả hoạt động kinh doanh của liên doanh này như là việc lập kho lưu trữ LNG.

Theo như hợp tác trước đó của Novatek và Siemens tại Diễn đàn Tuần năng lượng Nga, hai công ty này đã ký thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác trong lĩnh vực LNG.

Thỏa thuận này củng cố ý định của hai bên nhằm tăng cường và phát triển quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác trong các dự án khí đốt nói riêng và năng lượng nói chung, bao gồm nguồn cung cấp LNG, xử lý khí, phát điện, các nhà máy khí hóa lỏng công suất nhỏ, vừa và lớn, cũng như ở các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

Giám đốc điều hành Novatek L. Michelson cho biết, Công ty này có kế hoạch tăng đáng kể sản lượng khí tự nhiên và sản xuất LNG, đồng thời quan tâm đến việc phát triển một chuỗi giá trị đầy đủ để tăng lợi thế cạnh tranh của các dự án LNG có chi phí thấp của công ty.

Trong khi đó, hồi tháng 6/2017, tại Diễn đàn Năng lượng quốc tế At Peterburg 2017, Novatek đã ký một biên bản ghi nhớ với Fluxys, xác nhận ý định của hai bên nhằm phát triển hợp tác chiến lược trong việc thực hiện các dự án LNG công suất thấp ở châu Âu, phát triển chung thị trường bán hàng LNG ở châu Âu và châu Mỹ Latinh, tối ưu hóa hậu cần vận tải và các phương diện khác liên quan đến LNG.

Fluxys theo đó sẽ góp phần vào việc phát triển các thị trường LNG mới và thúc đẩy Novatek tăng cường sự hiện diện tại các thị trường này, và sẽ nâng cao hiệu quả của các dự án được thực hiện trên cơ sở tài nguyên của các mỏ khí lớn ở Yamal và Gydan.

Novatek có kinh nghiệm lâu năm trong hợp tác với Fluxys ở lĩnh vực khí hóa lỏng. Vào năm 2015, một thỏa thuận đã được ký kết giữa công ty con của Yamal LNG – Yamal Trade và Fluxys LNG để cung cấp các dịch vụ cho việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng tại cảng LNG Zeebrugge ở Bỉ. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 20 năm, theo đó, Fluxys LNG cung cấp dịch vụ xử lý LNG lên đến 8 triệu tấn/năm.

Hợp tác giữa Novatek và Siemens cũng đã được đánh giá cao thông qua dự án Yamal LNG của Nga ở Bắc Cực. Hai “ông lớn” này còn có ý định sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn không chỉ ở Nga thông qua dự án Yamal LNG ở mỏ Nam Tambeyskoye, Bắc Cực LNG-2 ở bán đảo Gydan mà còn ở các quốc gia khác.

Với việc thành lập liên doanh giữa 3 nhà cung cấp hàng đầu, kho dự trữ LNG sắp được xây dựng sẽ biến Đức từ một quốc gia đang nhập siêu năng lượng trở thành nhà cung ứng dịch vụ khí đốt cho toàn châu Âu.

Dự án kho lưu trữ LNG và dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 là biểu hiện rõ nhất của sự hợp tác trong năng lượng của Nga và Đức. Không những khí đốt mà cả khí hóa lỏng của Nga cũng có ưu thế vượt trội hơn các nhà cung cấp khác, đặc biệt là Mỹ.

Washington đã hối thúc Đức từ bỏ dự án năng lượng với Nga, thay vào đó mua sản phẩm khí hóa lỏng nổi tiếng của Mỹ. Washington đã đạt được sự đồng thuận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong việc gia tăng xây dựng các thiết bị đầu cuối tiếp nhận LNG ở châu Âu trước khi đạt được thỏa thuận mua khí hóa lỏng của Mỹ.

Đức dường như chưa sẵn sàng thảo luận về việc có mua khí hóa lỏng của Mỹ nữa hay không.

Berlin liên tục lập luận rằng, nhu cầu nhập khẩu khí đốt của họ vẫn còn rất lớn, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ để trấn an Mỹ. Bên cạnh đó, điều đó cũng hé cánh cửa nhỏ cho Washington về khả năng nhập khẩu LNG từ nước này nếu hai bên đạt được thỏa thuận rõ ràng về giá.

Bất chấp các đe dọa trừng phạt dự án Nord Stream-2, giới chức Đức đã tuyên bố sẽ không từ bỏ dự án này.

Chưa biết Mỹ có khả năng cung cấp khí hóa lỏng cho Đức hay không, đặc biệt là giữa bối cảnh Washington liên tục áp đặt trừng phạt thuế quan với Berlin nhưng Nga dường như đã rất thuận lợi trong việc hợp tác bất chấp Đức vẫn đang tuyên bố trừng phạt Moscow sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea.

Theo Đông Phong / baodatviet.vn

Exit mobile version