Site icon Thời báo Việt Đức

Đức loay hoay giữa Mỹ và Trung Quốc

Ảnh minh họa: pixabay.com

Mối quan hệ kinh tế vô cùng sâu sắc với cả Mỹ và Trung Quốc khiến Đức không muốn mất lòng bên nào, bất chấp áp lực từ các phía.

Kể từ sau Thế chiến II, Washington và Berlin ràng buộc chặt chẽ với nhau bởi các giá trị chung, thể chế dân chủ, cùng mạng lưới những thỏa thuận và hợp tác quốc tế.

Mỹ được coi là đã giúp xây dựng nước Đức hiện đại và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này,  trong khi Trung Quốc gần đây lại vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Năm ngoái, Đức xuất khẩu 119 tỷ euro (gần 134 tỷ USD) hàng hóa sang Mỹ và 96 tỷ euro (gần 108 tỷ USD) sang Trung Quốc. Jorg Kraemer, nhà kinh tế học tại tập đoàn Commerzbank, cho biết gần 1/5 doanh thu của các công ty Đức kiếm được từ Mỹ và Trung Quốc.

Mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức đồng nghĩa với việc họ cần cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Khoảng 28% việc làm tại Đức liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến xuất khẩu. Mức xuất khẩu của Đức nhiều gần bằng Mỹ, trong khi dân số của họ chỉ tương đương 1/4 nước này.

Quan hệ thương mại với Mỹ và Trung Quốc đã mang lại lợi ích lớn cho Đức trong hai thập kỷ qua, giúp họ duy trì đà tăng trưởng ổn định, gần như đủ việc làm cho người dân. Nguồn ngân sách công dồi dào còn tạo điều kiện cho Đức chi hơn 1.000 tỷ euro (1,13 nghìn tỷ USD) vào các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong đại dịch Covid-19.

“Tại sao chúng ta phải chọn phe, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái? Không có ai mong muốn điều đó”, Jorg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, nêu ý kiến.

Khác với các nền kinh tế châu Âu khác, quan hệ thương mại giữa Đức với Trung Quốc tương đối cân bằng. Những công ty kỹ thuật nổi tiếng của Đức là nguồn cung cấp thiết bị cho nhà máy và cơ sở hạ tầng, giúp Trung Quốc vươn lên thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Việc bắt tay với “gã khổng lồ” đang phát triển nhanh chóng cũng tạo điều kiện cho Đức phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng tài chính và vượt qua khủng hoảng nợ công châu Âu.

Trung Quốc cũng là thị trường số một của các nhà sản xuất ôtô tầm cỡ tại Đức. Hồi tháng 5, hãng Volkswagen AG đã giao 330.000 xe sang Trung Quốc, tăng 6% so với năm ngoái, chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn cầu của tập đoàn.

“Tôi không thể tưởng tượng Volkswagen sẽ ra sao nếu thiếu Trung Quốc”, Ferdinand Dudenhoeffer, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ôtô tại Đại học Duisburg-Essen, Đức, cho hay.

Giám đốc điều hành Volkswagen Herbert Diess, người từng gọi Trung Quốc là “ngôi nhà thứ hai” của tập đoàn, gần đây đã ca ngợi cách Bắc Kinh xử lý Covid-19. Tháng trước, Volkswagen cho biết họ sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào thị trường xe điện của Trung Quốc.

“Đức muốn làm ăn với Trung Quốc. Việc tiếp cận sâu hơn vào thị trường của họ là ưu tiên chính của chúng tôi”, Mikko Huotari, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator tại Berlin, cho biết, nói thêm rằng mục tiêu này không lay chuyển bất chấp các động thái chính trị của Bắc Kinh, như kế hoạch áp luật an ninh với Hong Kong.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, mức độ hợp tác kinh tế với Trung Quốc của các nước châu Âu khác ít hơn nhiều so với Đức. Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc gấp khoảng ba lần so với Pháp và Italy cộng lại.

Dù vậy, thị trường Mỹ cũng đóng vai trò rất quan trọng với Đức. Xuất khẩu máy móc từ Đức sang Mỹ tăng nhanh hơn nhiều so với Trung Quốc trong thập kỷ qua, tăng khoảng 6-10% một năm. “Trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, Mỹ phụ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài. Họ thực sự không còn nhà sản xuất máy công cụ chất lượng cao nào”, Ulrich Ackermann, giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Cơ khí Đức, cho hay.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người Đức đang ngày càng mất thiện cảm với Mỹ. Nguyên nhân xuất phát từ bất đồng với Tổng thống Donald Trump, cũng như không hài lòng về những chính sách trước đây của Washington, từ chiến tranh Iraq tới việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ do thám công dân và lãnh đạo châu Âu, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Người Đức giờ đây cho rằng mối quan hệ giữa Berlin với Bắc Kinh quan trọng ngang sự hợp tác với Washington, theo khảo sát tháng trước của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Mareike Ohlberg, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Marshall ở Berlin, cũng đánh giá người Đức “khá hoài nghi về những giá trị chung với Mỹ”.

Trong khi đó, giới chức Đức lại tỏ ra bực bội với những động thái quyết liệt của Trung Quốc trong nhiều vấn đề đối ngoại, đồng thời ngày càng thất vọng vì sự im lặng của họ trong hợp tác kinh tế. Văn phòng của bà Merkel vừa đột ngột tuyên bố hoãn vô thời hạn hội nghị thượng đỉnh giữa toàn bộ lãnh đạo EU và Trung Quốc, vốn được lên kế hoạch từ lâu và dự kiến tổ chức vào tháng 9 tại thành phố Leipzig, Đức.

Lý do được đưa ra là lo ngại về Covid-19. Tuy nhiên, các nguồn tin cho hay nguyên nhân thực sự là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa sẵn sàng ký thỏa thuận đáp ứng những yêu cầu đầu tư sâu rộng của châu Âu vào thị trường nước này. Thỏa thuận này đã được đàm phán trong 7 năm, dự kiến giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc và bảo vệ nguồn vốn đầu tư của các công ty châu Âu.

Nhiều doanh nhân Đức cho biết họ đang mất dần kiên nhẫn với những trở ngại từ phía Trung Quốc, như sự thúc ép chuyển giao công nghệ, trợ cấp và các hàng rào bảo hộ, vốn được coi là cái giá phải trả để xâm nhập thị trường lớn nhất thế giới. Một số người kêu gọi Berlin có cách tiếp cận với Bắc Kinh một cách cứng rắn như Trump.

Tuy nhiên, nỗi thất vọng của Berlin vẫn chưa chuyển biến thành chính sách cụ thể, động thái có khả năng “chọc giận” và khiến Bắc Kinh trả đũa, gây tổn hại lên nền kinh tế Đức. Điều này thể hiện qua việc Đức không quay lưng với tập đoàn Huawei, bất chấp áp lực từ Mỹ.

Trong chuyến thăm Trung Quốc ba ngày hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã gặp người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi tại Thượng Hải. Sau bữa sáng kéo dài một giờ, Altmaier cho biết dựa vào mức độ hoạt động của Huawei tại Đức, tập đoàn này có thể trình bày quan điểm của họ với bộ trưởng phụ trách vấn đề liên quan.

Jens Hildebrandt, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc, cũng cho hay các công ty của nước này đang tăng cường điều chỉnh chiến lược ở Trung Quốc, bằng cách đưa thêm các phát triển và nghiên cứu tới đây, đồng thời cố gắng rút ngắn chuỗi cung ứng. Theo Hildebrandt, việc rút khỏi thị trường Trung Quốc giống như “tự sát kinh tế” với Đức.

“Xét về tốc độ và tiềm năng tăng trưởng, thị trường nào trên thế giới có thể thực sự thay thế Trung Quốc chứ?”, ông nói.

Ánh Ngọc (Theo WSJ)

Exit mobile version