Đức đã phải vứt bỏ 83 triệu liều vaccine COVID-19 với chi phí sơ bộ là 1,6 tỷ euro và còn 120 triệu liều nữa tồn kho cũng có nguy cơ bị thải bỏ.
Theo tờ Politico, Đức đã phải vứt bỏ 83 triệu liều vaccine COVID-19 với chi phí sơ bộ là 1,6 tỷ euro và còn 120 triệu liều nữa chưa được sử dụng trong kho.
Dữ liệu do Bộ Y tế Đức cung cấp cho thấy, nước này đã loại bỏ 54 triệu liều vaccine COVID-19 vào cuối năm 2022 và 29 triệu liều khác trong quý đầu tiên của năm 2023.
Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn. Bộ trên đã không cung cấp số liệu lãng phí trong quý 2 năm nay và cũng nhấn mạnh rằng các tiểu bang và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe không bắt buộc phải báo cáo tình trạng lãng phí vaccine.
“Do đó, không thể định lượng được tổng số lượng liều vaccine COVID-19 mà Cộng hòa Liên bang Đức mua đã bị thải bỏ”, Bộ Y tế Đức cho biết trong một email gửi tới tờ Politico.
Trong khi đó, 120 triệu liều vaccine COVID-19 vẫn đang tồn kho do số người tiêm giảm mạnh. Dữ liệu gần đây nhất của cơ quan kiểm soát dịch bệnh của EU cho thấy tổng cộng chỉ có 268 liều đã được tiêm ở Đức trong tuần từ ngày 5/6, và 1.462 người đã tiêm trong ba tuần trước đó.
Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng có khả năng tăng vào mùa thu khi các hệ thống y tế chuẩn bị đối phó với các bệnh truyền nhiễm theo mùa, nhưng điều này cũng khó có thể giải quyết được phần nào đáng kể trong số 120 triệu liều vaccine COVID-19 chưa được sử dụng. Điều đáng nói là Đức có dân số 83 triệu người và đã tiêm tổng cộng 192 triệu mũi tiêm trong toàn bộ đại dịch.
Chi phí cho sự lãng phí này gần như chắc chắn sẽ lên tới hàng tỷ euro.
Mặc dù Bộ Y tế Đức không cung cấp thông tin chi tiết về loại vaccine bị lãng phí, nhưng tiết lộ rằng trong số 29 triệu vaccine đã hết hạn sử dụng vào cuối quý 1 năm 2023, có 5 triệu liều là của Moderna, 18 triệu là của BioNTech/Pfizer và 6 triệu liều là Novavax.
Giả sử tính toán tương tự đối với các liều vaccine đã hết hạn vào cuối năm 2022, cũng như 120 triệu liều còn tồn kho chưa được sử dụng, thì tổng giá trị của các loại vaccine chưa sử dụng vào khoảng 4 tỷ euro dựa trên mức giá bị rò rỉ là 19 euro cho mỗi liều cho Novavax, 23 euro/ liều vaccine Moderna và 19,5 euro cho mỗi liều BioNTech/Pfizer.
Các quốc gia EU, bao gồm cả Đức, vẫn đang gặp khó khăn trong việc cung cấp nhiều liều vaccine COVID-19 hơn nữa sau một thỏa thuận gần đây được đàm phán giữa Ủy ban châu Âu và công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ. Số lượng giao hàng chính xác mà khối dự kiến tiếp nhận không được công khai, nhưng một người tham gia cuộc họp bí mật nơi các chi tiết của hợp đồng sửa đổi được chia sẻ với một nhóm nghị sĩ, nói với Politico rằng con số là 260 triệu liều được phân phối trong vòng bốn năm tới, tương đương 65 triệu liều mỗi năm.
Trước nguy cơ dư thừa vaccine COVID-19, hồi tháng 5, EU và nhà sản xuất Pfizer/BioNTech đã đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi hợp đồng cung ứng vaccine, theo đó giảm số lượng vaccine và lùi thời điểm giao hàng đến năm 2026.
Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tháng đàm phán và trong bối cảnh EU đang phải chịu sức ép từ các quốc gia thành viên yêu cầu sửa đổi hợp đồng do tình trạng dư thừa vaccine ngừa COVID-19 và nhu cầu tiêm mũi tăng cường còn thấp. Một số quốc gia EU đã buộc phải tiêu hủy những lô vaccine hết hạn.
Theo hợp đồng ban đầu được ký vào tháng 5/2021, đến cuối năm nay, Pfizer/BioNTech sẽ cung cấp cho EU 900 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và có thể cung cấp thêm 900 triệu liều sau đó. Tuy nhiên, khoảng hơn 50% trong số 900 triệu liều vaccine theo hợp đồng vẫn chưa được giao do nhu cầu giảm vào năm ngoái. EU cũng không đề nghị mua bổ sung vaccine như dự định ban đầu.
Một nguồn thạo tin cho biết hai bên sẽ giảm khoảng 30% lượng vaccine chưa giao trong số 900 triệu liều ban đầu. Các quốc gia thành viên EU sẽ phải trả một khoản phí cho mỗi liều vaccine bị hủy.