Site icon Thời báo Việt Đức

Đừng lo lắng khi con “tạm nghỉ” sau Abitur

Ảnh minh họa: pixabay.com

So với trường hợp học ngay mà bỏ dở phải đổi nghành học thì nghỉ học một năm là một trải nghiệm cần thiết nếu con chưa sẵn sàng cho việc học tiếp.

Tháng năm rồi tháng sáu, cứ dịp này đi đâu các ông bố, bà mẹ có con tốt nghiệp phổ thông trung học (Abitur) cũng xôn xao bàn tán chuyện con cái học ngành gì, học ngay hay nghỉ một năm, một kỳ rồi học tiếp. Rất nhiều người phàn nàn con họ chưa biết học gì cũng khá phổ biến.

Chị Mỹ Hạnh có con gái đã tốt nghiệp cử nhân đưa ra ý kiến: “Phải bắt chúng nó học ngay chứ sau một năm chơi dài chả đứa nào muốn đi học nữa đâu”. Trong khi đó, chị Bích Vân lại có ý kiến khác “Tôi thì không biết con nhà khác thế nào chứ hai đứa nhà tôi học một năm kêu chán, thế là chuyển sang học cái khác. Mất thời gian, may mà cuối cùng nó cũng tốt nghiệp”.

Trên đây là ý kiến của hai bà mẹ đã có con học xong đại học đã đi làm và học tiếp cao học. Ý kiến đưa ra của mọi người thì nhiều nhưng không có điểm kết. Vậy thực tế ra sao?

Để có cái nhìn sâu hơn vào vấn đề này, tôi đã khảo sát mất khá nhiều thời gian và xin viết ra đây, mong rằng có thể đem đến một cái nhìn nhận thực tế. Hy vọng ít nhiều giúp các bậc phụ huynh còn có những băn khoăn trong quyết định cho con học tiếp đại học ngay, hay nghỉ một năm trải nghiệm và có thời gian suy nghĩ để quyết định đúng đắn hơn.

Với trường hợp sau khi tốt nghiệp phổ thông và đi học ngay thì không có nhiều băn khoăn ngoài việc học được hay phải chuyển ngành và kết quả học tập ra sao. Vấn đề còn lại cần phân tích kỹ hơn là nghỉ một kỳ hay một năm rồi học tiếp sẽ tốt hay không tốt.

Phần lớn tâm lý chung bố mẹ đều muốn chắc ăn, con mình cứ thế theo đà học ngay kẻo kiến thức, nhiệt huyết sau một năm sẽ bị mài mòn. Nhưng nếu con chưa chuẩn bị tốt cho tinh thần đi học thì sao? Đừng quá lo âu, chưa đi học ở trường không có nghĩa là con không học được gì? Một năm nghỉ ngơi cho đầu óc thư giãn sau mười hai năm đèn sách, thực tế có rất nhiều lợi ích.

Điều đầu tiên cần phải nói đến là không phải học sinh nào cũng biết rõ mục đích sắp tới của mình là học gì? Thậm chí học nghề hay học đại học và học hệ nào cũng chưa rõ? Để phụ huynh có thể hình dung được việc học của con mình, chúng ta cần biết sơ qua về hệ thống đại học ở đây.

Nói tóm tắt thì hệ thống đại học ở Đức được chia làm ba loại chính, đấy là Đại học tổng hợp (gọi tắt là Uni); Đại học kỹ thuật (Technische Universität gọi tắt là TU) và Đại học ứng dụng (Fachhochschule gọi tắt là FH). Các loại trường đại học này đương nhiên có hình thức đào tạo khác nhau để đáp ứng nhu cầu công việc của từng ngành nghề khác nhau.

Uni thường là trang bị kiến thức toàn diện cho sinh viên, đào sâu nâng cao kiến thức nghiên cứu khoa học. Đồng thời sinh viên được đào tạo để có khả năng tư duy tổng hợp cùng tính năng động cao với mục đích ra trường có thể làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau.

FH lại có khuynh hướng cụ thể, trọng tâm học là chuyển hoá những kiến thức đã được nghiên cứu vào thực hành, mang tính ứng dụng cho cuộc sống. Sinh viên được đào tạo những lĩnh vực cụ thể. Ngoài học đại học còn có học nghề (Ausbildung), cũng muôn ngành nghề khác nhau. Trong đó rất nhiều nghề thiếu nhân lực trầm trọng.

Vậy trước lúc muốn con đi học ngành gì, phụ huynh và học sinh cần có những hiểu biết qua các buổi tư vấn của trường. Tham dự hội chợ nghề nghiệp được tổ chức hàng năm, cũng như đến các trường đại học vào ngày mở cửa cho tham quan tự do. Qua đó có kiến thức sâu hơn để cùng con bàn bạc cân nhắc cho đúng với năng lực và sở trường của con, giảm tình trạng học những ngành nghề không phù hợp.

Việc nghỉ ngơi một năm (Gap Year), theo phân tích qua các báo chuyên ngành giáo dục và thực tế thì lợi ích của nó rất nhiều. Đầu tiên là nghỉ ngơi thư giãn đầu óc. Sau kỳ nghỉ năng lượng được nạp thêm, làm tăng kết quả học tập, tránh tình trạng kiệt sức vì học miệt mài.

Sau đấy là sự trải nghiệm với những công việc cụ thể, tự kiếm tiền để trang trải cuộc sống cho những ngày này. Với những công việc đó hầu hết các con đã nhanh chóng trưởng thành. Nhận thức về mọi thứ trong cuộc sống một cách thiết thực hơn khi tự mình phải trải qua. Kỹ năng sống được nâng cao rất nhiều so với việc chỉ quanh quẩn trong nhà trường cùng sách vở và sự bao bọc của cha mẹ.

Còn một phần không nên coi nhẹ, đấy là khả năng quản lý tài chính. Tự lập không chỉ kiếm tiền mà cách quản lý chi tiêu cũng rất là quan trọng và sẽ không có gì hay hơn là để con tự trang trải cuộc sống bằng đồng tiền tự mình kiếm được. Qua đó con cũng hiểu rõ ý nghĩa của đồng tiền giá trị ra sao.

Ngoài ra cơ hội đi du lịch hay học một ngôn ngữ mới cũng là chuyện rất nên làm. Học ở đây là thực học khi họ phải đến sống ở một đất nước khác, ngôn ngữ mới. Đặc biệt là tìm hiểu những nền văn hoá khác nhau. Trên đây là những điều đặc biệt hữu ích vì chỉ một thời gian ngắn họ được tự do làm nhiều thứ mà khi đi học không thể có điều kiện để thực hiện. Qua đó gặt hái được rất nhiều kinh nghiệm vì có câu trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm. Thời gian này họ cũng không có sự hỗ trợ của cha mẹ bên mình vì thế tính tự lập nhanh chóng được nâng lên.

Ngoài những lý đo trên thì khả năng quản lý thời gian, kỹ năng thích ứng với môi trường mới. Tích lũy kinh nghiệm khi vào đời đều không chỉ có tiền là có được. Sau một năm vừa nghỉ ngơi vừa lao động, nhận thức của các cô cậu học trò đã khác rất nhiều. Con sẽ định hướng được tốt hơn về ngành nghề mình lựa chọn. Học xong, những trải nghiệm đấy cũng giúp con rất nhiều sau này khi đi xin việc. Vì chẳng công ty nào muốn bỏ tiền và mất thêm thời gian đào tạo kỹ năng mềm cho nhân viên mới.

Việc học là việc cả đời. Dành thời gian lấy kinh nghiệm sống và lựa chọn chín chắn hơn cho sự nghiệp trong tương lai là điều rất hữu ích. Các bậc phụ không cần băn khoăn, lo lắng quá.

Anh Kiệt

Exit mobile version