TBVĐ- Nhiều bậc cha mẹ mỗi lần con phạm lỗi, nếu không dùng những từ ngữ tục tĩu, thì la mắng làm con sợ để lần sau cẩn thận hơn.
Dù không đánh roi nào nhưng tâm hồn trẻ nhỏ vốn rất yếu ớt và dễ tổn thương. Những vết thương ấy mỗi ngày một thấm sâu hơn vào suy nghĩ, trí nhớ trẻ và theo chúng đến khi trưởng thành. Đã có không ít trường hợp, tính cách trẻ trở nên ngang ngược hơn chỉ vì những câu nói thiếu thiện cảm của cha mẹ.
Mỗi con người sinh ra đều có quyền bình đẳng, bất kể họ là ai. Tuy nhiên điều đáng tiếc là ngay trên nước Đức văn minh này, nạn phân biệt chủng tộc vẫn ngày càng gia tăng. Dù môi trường giáo dục ở Đức rất tốt và hướng thiện, nhân văn nhưng đối với trẻ Việt bé nhỏ và khác màu da đôi khi không tránh khỏi tình trạng thực tế phân biệt chủng tộc trong một số bộ phận nhỏ học sinh trong trường và ngoài xã hội. Cùng với nhà trường, gia đình phải là điểm tựa về lòng tự tin cho con em mình. Cần dạy con cách đối diện trước bọn hung đồ đó, khôn khéo nhất là bỏ đi khi bị chúng miệt thị, khi có điều kiện nên báo với nhà trường để họ biết tình hình. Ngoài ra sự tự tin, hoà đồng vui vẻ và năng lực học tập tốt của con em Việt cũng sẽ là vũ khí tối ưu để chống lại sự miệt thị. Ngoài xã hội thì như vậy, trong gia đình đôi khi cha mẹ do hạn chế về hiểu biết tâm lý trẻ họ cũng sa vào tình trạng đó. Ví dụ trẻ bị khiếm khuyết về cơ thể hay nhận thức chậm, liền đặt cho cái biệt danh khiến cho người bị miệt thị rất khổ sở.
Không có cha mẹ nào lại không thương con, chỉ là cách thể hiện mỗi người mỗi khác. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh và người lớn rất cần chú ý, đừng coi nhẹ vấn đề tâm lý trẻ. Hãy tạo cho trẻ môi trường sống lành mạnh và giàu tính nhân văn, cho con lòng tự tin bước vào đời nếu không nhiều khi hậu quả rất khó biết.
Thiên Lý