Site icon Thời báo Việt Đức

Đường dây chuyển lậu máu thỏa ‘cơn khát’ con trai

Ảnh minh họa: pixabay.com

Sau khi chặn một phụ nữ khả nghi tại cảng Phúc Điền, nhân viên hải quan phát hiện cô giấu trong áo ngực những ống máu đề tên thai phụ.

Người phụ nữ trung niên này bị bắt hồi tháng 7/2017 khi đang đi qua phòng kiểm tra an ninh ở cảng Phúc Điền, nằm ở ranh giới giữa thành phố Thâm Quyến và Hong Kong.

Bốn ngày sau, các nhân viên hải quan tiếp tục chặn một phụ nữ đeo chiếc ba lô nặng, bên trong chứa đầy ống máu của các thai phụ. 203 ống máu được bọc trong túi nilon, một số bắt đầu hỏng vì sức nóng. Giới chức Hong Kong cho biết người phụ nữ này thừa nhận được trả 100-300 nhân dân tệ (14-42 USD) để chuyển những đồ nhạy cảm sang đặc khu.

Tại cảng La Hồ, một điểm nhập cảnh Hong Kong khác, các nhân viên hải quan hồi tháng 2 phát hiện một bé gái 12 tuổi giấu 142 mẫu máu trong ba lô. “Những học sinh đi qua biên giới thường không mang gì khác ngoài sách vở, văn phòng phẩm và đồ ăn nhẹ, nên túi của họ trông gọn gàng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy ba lô của cô bé đầy tới mức có thể bung ra, nên đã kiểm tra nó”, một nhân viên tại cảng giải thích.

Việc chuyển lậu máu của các thai phụ từ Trung Quốc đại lục sang Hong Kong tăng mạnh trong ba năm qua. Các mẫu máu được gửi đến những phòng khám ở đặc khu để xét nghiệm ADN của thai nhi, giúp những bậc phụ huynh tương lai biết trước giới tính con mình. 

Chính sách một con của Trung Quốc khiến việc phá thai để chọn lọc giới tính trở nên phổ biến, với hy vọng sinh được con trai. Tình trạng này khiến 12 triệu bé gái không được sinh ra từ năm 1970 đến 2017, theo nghiên cứu công bố hồi tháng 5 của Đại học Quốc gia Singapore.

Dù chính sách đã được nới lỏng một phần hồi năm 2015, nhiều cặp vợ chồng vẫn không muốn có nhiều con vì vấn đề kinh tế nên cần biết trước giới tính thai nhi. Luật dân số và kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc cấm kiểm tra giới tính thai nhi từ năm 2002, nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gửi mẫu máu sang Hong Kong xét nghiệm để né lệnh cấm.

Ủy ban Sức khỏe Quốc gia và Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc hồi năm 2017 ban lệnh cấm chuyển máu người ra khỏi lãnh thổ. Tuy nhiên, Hong Kong lại cho phép nhập các mẫu máu, miễn là chúng không bị nghi chứa chất truyền nhiễm và có giấy phép.

Các cặp vợ chồng có thể tìm được hàng chục công ty cung cấp dịch vụ xét nghiệm giới tính tại Hong Kong trên mạng xã hội Weibo. Đại diện của một công ty cho biết “phụ nữ có thể bắt đầu xét nghiệm khi mang thai 6-7 tuần” và chỉ cần gửi mẫu máu, kèm theo kết quả siêu âm chứng minh thai nhi đã đến giai đoạn thích hợp.

Ảnh minh họa: pixabay.com

Các thai phụ được khuyên giấu ống máu bên trong thú nhồi bông hoặc những hộp đồ ăn nhẹ đóng gói để tránh bị phát hiện, sau đó gửi thẳng tới Hong Kong bằng đường bưu điện. “Chúng tôi không còn thuê dịch vụ chuyển đồ thủ công vì rủi ro cao. Chính quyền gần đây đang triệt phá hoạt động của chúng tôi”, đại diện công ty nói thêm.

Công ty này có hơn 380.000 người theo dõi trên Weibo, với mức phí 3.500 nhân dân tệ (490 USD) cho các dịch vụ và trả kết quả sau khoảng một tuần. Việc xét nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm đặt tại một vùng xa xôi ở Hong Kong.

Để kiểm tra giới tính thai nhi, các phòng thí nghiệm tiến hành xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (NIPT). “Trước đây, phụ nữ phải mang thai 4-5 tháng mới xác định được giới tính đứa trẻ. Nhưng với NIPT, họ chỉ cần 10 tuần để biết điều đó”, Tom Shakespeare, nhà xã hội học người Anh, cho biết. 

Theo ông, kỹ thuật này có tác động mạnh mẽ tới việc phá thai để chọn lọc giới tính, nói thêm rằng “phá một thai nhi 10 tuần tuổi dễ hơn nhiều so với 18 tuần”.

NIPT là “đứa con tinh thần” của Dennis Lo, giáo sư hóa học lâm sàng tại Đại học Trung Quốc Hong Kong. Ông bắt đầu bằng việc tìm giải pháp thay thế cho chọc ối và lấy mẫu nhung màng đệm, hai phương pháp xét nghiệm xâm lấn được dùng để kiểm tra các bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi. “Cả hai cách này đều tiềm ẩn nguy cơ sảy thai nhỏ, nên tôi tự hỏi có phương pháp nào an toàn hơn để kiểm tra rối loạn di truyền hay không”, giáo sư cho biết.

Trong quá trình nghiên cứu, ông chứng minh được sự hiện diện ADN của đứa trẻ trong huyết tương của người mẹ, trình bày trong bài viết xuất bản trên tạp chí y khoa The Lancet hồi năm 1997. Ông mất thêm 10 năm nữa để phát triển NIPT, xét nghiệm giúp phát hiện sự bất thường của nhiễm sắc thể.

Xét nghiệm của giáo sư Lo có tỷ lệ chính xác tới 99%, được công ty công nghệ sinh học Sequenom đưa vào sử dụng trong dịch vụ y tế tại Mỹ hồi năm 2011, sau đó nhanh chóng trở nên phổ biến. Kỹ thuật này giúp thay đổi hoàn toàn việc xét nghiệm tiền sản, đảm bảo an toàn cho cả thai phụ và thai nhi.

“Khoảng 7 triệu phụ nữ tiến hành xét nghiệm NIPT mỗi năm trên toàn thế giới”, giáo sư Lo cho biết. Thị trường này dự kiến đạt 3,9 tỷ USD vào năm 2019, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 13,5 %, theo báo cáo của công ty nghiên cứu MarketsandMarkets.

NIPT vô cùng phổ biến ở Trung Quốc, nơi độ tuổi sinh đẻ của phụ nữ ngày càng cao. Tuy nhiên, trong khi hầu hết quốc gia cho phép phụ huynh biết giới tính của con họ nhờ xét nghiệm này, các bác sĩ Trung Quốc đại lục buộc phải giấu kín thông tin, giúp thúc đẩy hơn nữa ngành xét nghiệm y tế vốn đang trên đà phát triển ở Hong Kong.

Các phòng thí nghiệm tại Hong Kong chỉ được phép xét nghiệm những mẫu máu do bác sĩ có giấy phép hành nghề chuyển tới. Tuy nhiên, nhiều cơ sở phớt lờ quy định này, Kwok Ka-Ki, thành viên cơ quan lập pháp Hong Kong, đồng thời là một bác sĩ, cho biết.

“Sở Y tế có thể ‘bắt quả tang’ họ bằng cách đóng giả khách hàng, nhưng giới chức vẫn chưa tiến hành dù chỉ một lần. Chính quyền muốn làm ngơ vì sợ làm tổn hại tới ngành công nghiệp xét nghiệm y tế lớn mạnh của Hong Kong”, ông giải thích.

Tính đến tháng 9, Sở Y tế Hong Kong đã điều tra tổng cộng 53 trường hợp liên quan đến việc nhập mẫu máu từ Trung Quốc mà không có giấy phép. Tuy nhiên, không có cuộc điều tra nào dẫn tới truy tố, phát ngôn viên của sở cho biết, dẫn lý do “không đủ bằng chứng”, nói thêm rằng bất cứ khiếu nại nào với các phòng thí nghiệm của Hong Kong đều sẽ chuyển tới Hội đồng Kỹ thuật viên Phòng thí nghiệm Y tế.

“Đây rất có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Dựa trên số lượng phòng thí nghiệm y tế cung cấp dịch vụ kiểm tra giới tính thai nhi ở Hong Kong, phải có tới hàng chục trường hợp chuyển lậu máu mỗi ngày”, nghị sĩ Kwok nêu ý kiến.

Bên cạnh vấn đề giới tính thai nhi, xét nghiệm NIPT còn gây ra một số tình huống khó xử khác. Ngoài việc giúp phát hiện các rối loạn di truyền, kỹ thuật này trong tương lai còn có thể phát hiện nguy cơ tiền sản giật, sinh non và bệnh tật của đứa trẻ.

“Nếu chúng tôi phát hiện một đứa trẻ sẽ mắc bệnh tiểu đường khi 40 tuổi, hoặc bị ung thư, liệu chúng tôi có nên nói với thai phụ rồi tạo gánh nặng cho cô ấy ngay cả khi đứa trẻ chưa được sinh ra hay không?”, giáo sư Lo cho biết.

Ánh Ngọc (Theo CNN)

Nguồn: vnexpress.net

Exit mobile version