Site icon Thời báo Việt Đức

‘Em bé napalm’ Kim Phúc nhận giải thưởng hòa bình của Đức

Dresden. Ảnh: Trung Hiếu

Bà Phan Thị Kim Phúc, người được biết với tên gọi ‘Em bé napalm’ trong bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, vừa được trao giải thưởng Dresden tại Đức vì những đóng góp cho hòa bình.

Hãng tin AP dẫn thông cáo của Ban tổ chức giải thưởng Dresden ngày 11-2 cho biết người phụ nữ Việt Nam 55 tuổi hiện đang sống tại Canada này được tôn vinh vì những đóng góp của bà cho UNESCO và giúp đỡ những em nhỏ bị thương trong chiến tranh.

Bà Phúc cũng được ca ngợi vì đã có tiếng nói mạnh mẽ lên án bạo lực và thù hận. Giải thưởng Dresden trị giá 10.000 euro (11.350 USD).

Những người từng được trao tặng giải Dresden trước đây có cựu lãnh đạo Liên bang Xô viết, ông Mikhail Gorbachev, và nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ Tommie Smith.

Vào thời điểm các máy bay của quân đội miền nam Việt Nam thả bom napalm xuống những ngôi làng của bà Phúc năm 1972, bà là một bé gái 9 tuổi.

Cảnh bà Phúc hoảng loạn bỏ chạy trên đường, thân thể trần truồng đau đớn trong những vết bỏng sâu vì dính bom napalm đã được ghi lại trong bức ảnh của phóng viên ảnh của Hãng tin AP lúc đó, ông Nick Ut. Năm 1973 ông Nick Ut đã giành giải thưởng Pulitzer với bức ảnh gây chấn động dư luận thế giới này.

Vào thời điểm xảy ra sự việc, ông Nick Ut là một phóng viên ảnh 21 tuổi. Ông đã đưa bé Kim Phúc tới bệnh viện nhờ họ cấp cứu.

“Tôi đã khóc khi nhìn cô bé chạy”, năm 2012 ông Nick Ut chia sẻ lại ký ức không thể quên. “Nếu không không giúp cô bé và nếu có chuyện gì xảy ra và cô bé chết, tôi nghĩ mình sẽ tự sát sau đó”.

Nhiều ngày sau khi bức ảnh gây sốc với thế giới được công bố, một nhà báo khác đã biết được cô bé Phúc đã sống sót mặc dù bà bị bỏng sâu độ 3 trên 30% cơ thể.

Giải thưởng Hòa bình Dresden là giải thưởng được trao thường niên từ năm 2010 tại nhà hát Semperoper của thành phố Dresden (Đức). Thành phố Dresden từng bị hủy diệt vì bom của quân Đồng minh vào giai đoạn cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai khiến hàng ngàn người dân thiệt mạng và phá huỷ hoàn toàn trung tâm thành phố.

Khi bắt đầu ý tưởng thành lập một giải thưởng hòa bình quốc tế, những người tổ chức đã nghĩ ngay tới tên gọi “Dresden-Preis“ (Dresden Peace Prize – Giải thưởng Hòa bình Dresden) để lan truyền thông điệp: Chiến tranh không phải là giải pháp cuối cùng và đó là một cách thức giải quyết sai lầm.

Theo D.Kim Thoa / tuoitre.vn

Exit mobile version