Site icon Thời báo Việt Đức

EU hướng đến công bằng và an toàn hơn

Ảnh minh họa: pixabay.com

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 17-11 đã nhóm họp thượng đỉnh tại Göteborg, Thụy Điển. Nội dung hội nghị thượng đỉnh lần này nhấn mạnh đến quyền công bằng xã hội và nỗ lực an ninh chống khủng bố.

Nâng cao tính công bằng xã hội

Tập hợp các quyền xã hội gồm 20 tiêu chuẩn được tất cả 27 chính phủ thành viên và các tổ chức của EU ủng hộ được xem là nền tảng của thị trường lao động và hệ thống phúc lợi hiện đại công bằng, hiệu quả. 20 tiêu chuẩn bao gồm từ tiếp cận việc làm, điều kiện làm việc đến tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp và đào tạo đều hướng tới sự công bằng.

Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp của EU tham gia chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Göteborg cho biết: “Chúng tôi đã trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng di cư, tỷ lệ thất nghiệp quá cao ở một số nước, chúng tôi có những điều kiện làm việc không tốt ở một số lĩnh vực”. Tất cả điều này đã dẫn đến sự không hài lòng và mất niềm tin, được phản ánh qua kết quả của một số cuộc bầu cử ở các nước thành viên EU.

Ngoài ra, quan chức này cho rằng quyết định của Anh năm 2016 rời khỏi EU đã làm cho khối này phải thay đổi, bao gồm cả việc nhấn mạnh hơn vào các chính sách xã hội. Vì vậy, chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU lần này để đưa các dự án của EU tới gần hơn với người dân vì một châu Âu tốt hơn.

Các nhà lãnh đạo EU cũng cho biết thêm rằng mức lương tối thiểu phải được bảo đảm theo cách đáp ứng nhu cầu của người lao động và gia đình của họ trong điều kiện quốc gia và xã hội.

Các quan chức cho biết, mặc dù EU không thể trực tiếp thực thi các quyền này nhưng họ thiết lập một tiêu chuẩn chung của EU mà Ủy ban châu Âu sẽ đề cập đến khi đưa ra các khuyến nghị hàng năm về những thay đổi chính sách đối với mỗi thành viên.

Tin vào PESCO

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong bối cảnh các ngoại trưởng 23/27 thành viên EU vừa ký kết Hiệp ước phòng thủ chung EU (viết tắt là PESCO). Anh (chuẩn bị rời EU), Ireland, Đan Mạch, Malta và Bồ Đào Nha không tham gia. PESCO sẽ giúp EU tự lực hơn trong vấn đề phòng thủ chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài và làm cho EU bớt phụ thuộc vào NATO.

Mặc dù vậy, theo Euronews, các quan chức EU xem PESCO là cơ chế hợp tác hỗ trợ thêm cho NATO vì có đến 23/28 thành viên EU (kể cả Anh) là thành viên NATO. Ngoài việc tăng cường khả năng phòng thủ, PESCO còn hướng tới thiết lập các phái bộ ở nước ngoài, trước mắt là tại Mali, Somalia và Trung Phi. Song song với PESCO, hồi đầu năm 2017, Ủy ban châu Âu đã thiết lập quỹ sáng kiến phòng thủ của EU với kinh phí hàng năm là 5,5 tỷ EUR.

Ngoài các mối lo ngại an ninh truyền thống, EU cũng đang đối mặt với nỗi lo về an ninh phi truyền thống, trong đó có mối đe dọa khủng bố. Ngày 16-11, Mỹ đã đưa ra khuyến cáo đối với công dân nước này về việc du lịch đến châu Âu, cảnh báo nguy cơ gia tăng các vụ tấn công khủng bố trong dịp Giáng sinh và đón năm mới tại khu vực châu Âu.

Tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Anh, Phần Lan, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Thụy Điển cho thấy cả tổ chức khủng bố Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đều có khả năng gây ra các vụ tấn công.

Tuyên bố nhấn mạnh mặc dù các chính quyền địa phương hiện đang tiếp tục các hoạt động chống khủng bố, song Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn lo ngại về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố, theo đó khuyến cáo các công dân Mỹ phải luôn cảnh giác khả năng những phần tử ủng hộ khủng bố hoặc cực đoan hóa có thể tiến hành tấn công mà không có dấu hiệu biết trước để đề phòng.

Theo Huy Quốc / sggp.org.vn

Exit mobile version