Site icon Thời báo Việt Đức

EU không muốn vội vã đạt thỏa thuận hậu Brexit với Anh

Ảnh minh họa: pixabay.com

Các quan chức ngoại giao EU ngày 2/12 phát đi thông điệp cho biết khối này thà chấp nhận việc không có thỏa thuận hậu Brexit với Anh còn hơn là vội vã ký một thỏa thuận có hại, bất chấp việc chỉ còn chưa đến 1 tháng nữa là kết thúc thời kỳ quá độ Brexit.

Trong ngày 2/12, Trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier đã có cuộc họp trực tuyến thông báo tình hình cụ thể của cuộc đàm phán với phía Anh tới 27 Đại sứ các nước thành viên EU, sau khi các đoàn đàm phán EU và Anh có 4 ngày đàm phán trực tiếp tại thủ đô London.

Tại cuộc họp, ông Michel Barnier cho biết mâu thuẫn giữa hai bên vẫn chưa được tháo gỡ trong các lĩnh vực quan trọng nhất là nghề cá và cơ chế thiết lập các tiêu chuẩn để cạnh tranh thương mại công bằng. Tuy nhiên, cũng đã có một số dấu hiệu về việc phía Anh đưa ra nhượng bộ.

Cụ thể, trong lĩnh vực nghề cá, ông Michel Barnier cho biết phía Anh đã hạ thấp đòi hỏi, chỉ yêu cầu lấy lại 60% sản lượng đánh bắt cá trong các vùng biển của mình, thay vì yêu cầu 80% như trước kia. Tuy nhiên, đề xuất mới này từ phía Anh vẫn là quá cao so với EU bởi khối này chỉ muốn trao lại thêm từ 15-18% sản lượng đánh bắt hàng năm lại cho phía Anh. Ngoài ra, hai bên cũng tiếp tục tranh cãi về yêu cầu từ phía Anh rằng mỗi năm Anh và EU sẽ đàm phán lại về cách phân chia sản lượng đánh bắt.

Theo báo chí châu Âu, mặc dù một số quốc gia thành viên EU đã bắt đầu mất kiên nhẫn nhưng đa số các nước châu Âu đều gửi đi thông điệp rằng phía châu Âu sẵn sàng chấp nhận việc không có thỏa thuận hậu Brexit chứ không chấp nhận một thỏa thuận có hại cho thị trường chung châu Âu và các ngư dân châu Âu.

Ông Michel Barnier cũng được chỉ thị phải làm mọi cách tránh để vấn đề nghề cá trở thành chủ đề đàm phán cuối cùng giữa hai bên, do lo ngại phía Anh sẽ sử dụng sự thúc bách về mặt thời gian để gây sức ép, do về cơ bản, nước Anh vẫn là bên nắm quyền chủ động trong việc có cho phép các ngư dân châu Âu đánh bắt cá trong vùng biển của mình hay không.

Trong số các nước châu Âu, Pháp hiện đang có những động thái quyết liệt nhất để gây sức ép buộc phía Anh đưa ra nhượng bộ trong lĩnh vực nghề cá do các ngư dân Pháp sẽ là những người chịu thiệt hại nặng nhất nếu bị phía Anh cấm đánh bắt. Theo kế hoạch, đàm đoàn phán của EU sẽ tiếp tục đàm phán với phía Anh tại London trong ít nhất là 2 ngày nữa, trước khi có báo cáo mới cho lãnh đạo EU.

Trong khi đó, phát biểu chiều ngày 2/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết chính phủ Anh tiếp tục cam kết nỗ lực hết sức để có một thỏa thuận với EU nhưng cảnh báo phía EU không thể vượt qua giới hạn mà phía Anh đặt ra.

“Với các đàm phán Brexit đang diễn ra, chúng tôi tuyệt đối cam kết nỗ lực để đạt được thỏa thuận nếu có thể. Tôi nghĩ là châu Âu biết rõ giới hạn của phía Anh và điều gì đã khiến người Anh bỏ phiếu lựa chọn Brexit vào tháng 6/2016. Người dân Anh muốn lấy lại quyền kiểm soát, để đảm bảo rằng Vương quốc Anh có thể tự đưa ra các điều luật của mình, tự phát triển nghề cá của mình và nhiều điều khác”./.

Theo Quang Dũng / vov.vn

Exit mobile version